Bức tượng “Hãy đập gãy lưỡi gươm để rèn lại thành lưỡi cày” của nhà điêu khắc người Nga Yevgeny Vuchetich (1908-1974) được Liên Xô tặng LHQ vào năm 1959. Bức tượng biểu trưng cho mong mỏi hòa bình của con người - Ảnh: HẢI MINH |
AP cho biết Tổng thống Mỹ Obama và các lãnh đạo ASEAN sẽ ra thông cáo chung, trong đó nội dung mà Mỹ đề nghị đề cập việc tái khẳng định quyền tự do đi lại trên biển Đông và phản đối “việc sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào tại biển Đông”.
Cuối tháng 7-2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Chính phủ Mỹ xem việc thông qua đường lối đa phương để giải quyết tranh chấp ở biển Đông là “quyền lợi quốc gia”, quan điểm được nhiều nước trong khu vực công khai ủng hộ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, như VietNamNet ngày 23-9 trích lời, cho biết tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ: “Tổng thống Obama muốn khẳng định tầm nhìn tiếp tục sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á cũng như ủng hộ ASEAN trên mọi trụ cột truyền thống, đó là chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội”.
Trong khi đó, trước cuộc gặp ASEAN - Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cho báo The Wall Street Journal (WSJ) biết ông sẽ nói với Tổng thống Obama rằng Mỹ cần duy trì sự hiện diện tích cực ở châu Á, bởi “Mỹ có vai trò ở châu Á mà Trung Quốc không thể thay thế”.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III lên tiếng khẳng định Philippines sẽ cùng các nước thành viên ASEAN phản đối bất kỳ hành động tuyên bố chủ quyền nào trên biển Đông do Trung Quốc đưa ra. “Chúng tôi cũng như các nước Asean sẽ đứng về cùng một phía. Hi vọng chúng tôi không phải gọi đây là biển Nam Trung Hoa vì đó không phải là vùng biển của riêng họ” - Reuters dẫn lời ông Aquino III nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cũng lên tiếng. AFP dẫn lời ông Simon Tay, thuộc Viện Các vấn đề quốc tế của Singapore, cho rằng nếu như có xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, mà như ông mô tả “hai con trâu đang hằm hè nhau” và “bắt đầu giơ sừng gườm nhau”, thì 10 nước ASEAN “phải tỏ rõ cho thấy là một mặt trận thống nhất, không gì có thể chia rẽ được”.
Lý do, như Rodolfo Severino - cựu tổng thư ký ASEAN - nhấn mạnh, là vì “lợi ích của các nước ASEAN là theo đuổi sự ổn định và duy trì tự do lưu thông hàng hải” nhằm giữ vững sự tăng trưởng kinh tế của mình.
KHỔNG LOAN - MỸ LOAN