Hôm nay Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội

 Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% - thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%. Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Thu ngân sách nhà nước năm 2023 có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.

Quang cảnh ngày làm việc 24/5, kỳ họp thứ 5. Ảnh: Media Quốc hội

Về nguyên nhân, Chính phủ nhận định chủ yếu do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.

"Tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém", báo cáo Chính phủ nêu.

Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng cường phân tích, dự báo không để bị động, bất ngờ về chiến lược; tập trung cho động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Chính phủ cũng thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Cùng với đó, Chính phủ cố gắng triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; chú trọng thu hút nguồn vốn và khuyến khích dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, gỡ vướng mắc đối với dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.

Bên cạnh nội dung trên, Quốc hội cũng dành cả buổi sáng 25/5 để thảo luận tổ về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư dự án đường từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận.

Các đại biểu cũng thảo luận về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trước khi Quốc hội thảo luận hội trường về dự án luật này.

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8637
Số người truy cập:
9251748