Nhập nhèm văn hóa
"Một sự nhập nhèm văn hóa", TS Trần Lâm Biền chỉ thẳng tay vào tấm ảnh chụp một bức tượng sư tử rồi nói. Sau đó là cả câu chuyện dài về căn bệnh sư tử lây lan trên toàn lãnh thổ...
Từ trên xuống: Cặp sư tử ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Keo (Bắc Ninh) và trước cửa Tập đoàn Dầu khí (Hà Nội) đều mắc lỗi khó chấp nhận: nhầm không gian, sai tỉ lệ, chắp vá văn hóa một cách gượng ép - Ảnh: Linh Đan
Không Tây, không Tàu, không VN
Sự nhập nhèm văn hóa mà TS Trần Lâm Biền nói đến chính là cặp sư tử kiểu "Tây" nhưng lại pha trộn triết lý âm dương. Trong bức ảnh khiến ông nổi giận, cặp sư tử "Tây" này đứng hai bên cửa ra vào sảnh lớn. Bên này sư tử đực phô trương sức mạnh bằng cách giẫm chân lên quả cầu, phía kia sư tử cái thể hiện giới tính bằng cách dắt theo con nhỏ.
Có điều nhà điêu khắc vô danh không tính đến, còn chủ nhân tòa nhà cũng "trót" quên rằng chú sư tử dắt con này "đứt đuôi" là con đực - căn cứ vào bờm dày tương đương với con đực đối xứng. Trong khi đó, điều đã được thừa nhận: chỉ sư tử đực mới có bờm. Thành ra cặp đực - cái lại trở thành hai vệ sĩ sư tử đực kèm theo một sư tử non nghênh ngang. "Ðây chính là sự nhập nhòe mang tính cá nhân chứ không thể coi là sáng tạo. Nó thể hiện một năng lực tự thân yếu ớt. Sản phẩm của năng lực ấy là thứ hình tượng Tây không phải Tây, Tàu không phải Tàu nhưng nhất định cũng không phải VN. Quả thật rất ngớ ngẩn", ông Biền nói.
Nhưng chỉ trong một tiếng đồng hồ "chiêm ngưỡng" những tấm ảnh chụp sư tử đá khắp mọi miền do phóng viên cung cấp, ông Biền còn phải nhiều lần chịu ấm ức như thế.
Với tấm ảnh đôi sư tử đá tại chùa Keo (Bắc Ninh), ông phân tích: "Cặp sư tử ngô nghê, nhiều khả năng do người mới học nghề thực hiện. Trông nó giống hệt đôi sư tử ở chùa Tự Khoát (Thanh Trì). Sau khi các chuyên gia bắt gặp và lên tiếng, họ đã yêu cầu phải bỏ đi cặp sư tử đó. Cặp này cũng nên thế".
Nhiều cặp sư tử khác, như cặp sư tử trước cửa Tập đoàn Dầu khí (Hà Nội), ở Ðại Nam quốc tự (Bình Dương), Bái Ðính (Ninh Bình), Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng mắc lỗi văn hóa khó chấp nhận: nhầm không gian, sai tỉ lệ, chắp vá văn hóa một cách gượng ép.
Không khó để thấy ngay cặp sư tử trước cửa Tập đoàn Dầu khí "hoàn toàn Tàu", từ cách quặp móng, khuỵu chân đến cả cái bệ. Trong khi bệ đá của người Việt chia ba tầng rất rõ rệt thì ở những bệ đá kiểu Trung Hoa chỉ có hai. Chưa kể theo TS Biền, con vật gần với sư tử nhất trong văn hóa Việt là con lân bao giờ cũng nhìn vào giữa (lối) hoặc nhìn xuống hiền lành (chứ không nhìn thẳng) bởi nó tượng trưng cho sự trong sáng, và việc của nó là xem xét tâm thành của người hành hương. "Những con này nói chung không xấu, vụng nhưng tức ở chỗ nó không có tí nào dân tộc cả. Người ta như bước vào một thế giới không phải của người Việt", TS Biền kết luận.
Lỗi nhiều, lỗi nhan nhản nhưng nguồn căn được TS Biền gói gọn: lối ham thanh chuộng lạ. Mà đau ở chỗ người ta lại phô phang sự ham thanh chuộng lạ ấy ở ngay những nơi dành cho sự thanh tĩnh của tâm hồn là chùa chiền, hoặc chốn nghiêm minh như cơ quan công quyền.
Sư tử - kẻ đến từ lăng mộ
"Họa sư tử" trải dài từ Bắc vào Nam, trong công sở, ở khách sạn, lan tới nhà dân. Trong quan niệm của nhiều người, chúng hoặc là biểu tượng của vị thế, hoặc là vật trấn trạch. Trong khi đó, nói về ý nghĩa văn hóa của biểu tượng này, PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học - cho biết: "Xưa nay trong kho tàng thế giới biểu tượng Ðông Tây và nghệ thuật Ðông Tây chưa bao giờ có sách vở nào nói rằng con sư tử đá trước các tòa nhà là thể hiện sự thành đạt, vị thế của chủ nhân nó. Với riêng những tài liệu tôi từng đọc và nghiên cứu, con sư tử đá chủ yếu, tôi xin nhấn mạnh chủ yếu là biểu tượng cho thế giới của những người đã chết. Nó chủ yếu để đặt ở các lăng mộ của Trung Hoa. Ai đó không tin điều tôi vừa nói xin mời vào thăm các lăng mộ Trung Quốc và đọc tác phẩm của Osval Sirène, bậc thầy lừng danh về nghệ thuật cổ đại Trung Quốc đã hệ thống về sư tử đá Trung Quốc. Bộ sách có tên Lịch sử nghệ thuật cổ đại Trung Quốc - Histoire des arts anciens de la Chine, bốn tập, công bố ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) năm 1929-1930. Hiện bộ sách đang có mặt tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội VN".
Còn người Việt có sử dụng các tượng đá sư tử để trấn yểm nơi lăng mộ? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: "Các con vật được tạc trong các khu lăng mộ người Việt ngoài kỳ lân, hổ, ngựa, voi còn có thêm tê giác. Nếu cần có một con vật hung dữ, người Việt nghĩ ngay đến hổ và hầu như trong suốt lịch sử phát triển của lăng miếu chúng ta, hổ là con vật oai phong nhất, không gì thay thế được".
Do sư tử là chúa sơn lâm, có sức mạnh bao trùm lên các loài thú khác nên sư tử biểu trưng cho sức mạnh. PGS.TS Tống Trung Tín cũng nói thêm về khuynh hướng sử dụng sư tử như biểu trưng sức mạnh trong một số lĩnh vực xã hội khác: "Chẳng hạn, ở Ấn Ðộ, sư tử được dùng để chầu đức Phật với ý nghĩa biểu trưng sức mạnh của Phật pháp. Ở Trung Quốc, đôi sư tử đá trước điện Thái Hòa là biểu tượng cho quyền uy của các vua chúa Minh - Thanh".
Mặc dù vậy, theo TS Tín, những ý nghĩa như vừa nêu rất ít và hãn hữu; phổ biển, bao trùm lên ở Trung Quốc, sư tử vẫn là loài linh vật canh giữ lăng mộ. "Chính vì thế, nói sư tử đá biểu trưng cho sự thành đạt, vị thế của các doanh nghiệp, cơ quan là không chính xác", ông Tín khẳng định.
LINH ĐAN
Kỳ dị tượng nhái nhân sư Tượng mình sư tử, đầu người làm nhái Sphinx (nhân sư) thật kỳ dị với những móng vuốt sư tử nhọn hoắt vô lý. Thần thái khuôn mặt cũng pha nét của một số tượng Phật VN song xấu hơn rất nhiều. Chưa kể những tượng nhân sư có đầu là phụ nữ mà nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện, phần mình sư tử bao giờ cũng được nữ tính hóa và không có móng vuốt nhọn hoắt.
TRẦN HẬU YÊN THẾ Lỗ hổng kiến thức nghệ thuật Hiện nay ở nước ta đang có phong trào sử dụng các pho tượng sư tử đặt trước các ngôi nhà hoặc công sở, thậm chí chùa chiền. Về mặt cá nhân, người ta có thể tùy tâm sử dụng những pho tượng này. Tuy nhiên, các pho tượng to lớn kềnh càng đặt trước các địa điểm này cũng có ảnh hưởng đáng kể tới cảnh quan công cộng, tới thẩm mỹ chung một khi chất lượng nghệ thuật của các “tác phẩm điêu khắc” đó kém. Việc sử dụng tượng sư tử đặt trước các công trình kiến trúc một cách ngây thơ, tùy tiện, tràn lan thoạt nhìn có vẻ chẳng ảnh hưởng đến ai (nhà tôi tôi cứ xây, tượng tôi tôi cứ dựng... trong phạm vi đất đai của tôi...) nhưng có nguy cơ dẫn tới tình trạng “tự quy hàng” về văn hóa, tự biến mình làm nô lệ cho văn hóa ngoại lai. Nó thể hiện những lỗ hổng kiến thức lịch sử, nghệ thuật của những người “hồn nhiên” sử dụng chúng. TS vật lý PHẠM LONG (người đã dịch cuốn Sculpture today - |