Sinh năm 1984 tại Hội An, Nguyễn Quốc Dân tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM năm 2009. Với mong muốn tìm kiếm cái mới trong hội họa, anh tìm ra con đường riêng, khắc họa chủ thể và thể hiện cái tôi qua "những dây màu", cách vẽ thuộc trường phái tranh phi lập thể. Tác phẩm đầu tiên ra đời năm 2009 và anh theo đuổi loại hình này từ đó.
Một trong những bức tranh được trưng bày trong triển lãm. |
Trước khi trở thành sinh viên, Quốc Dân từng thể hiện năng khiếu vẽ với tranh phong cảnh, đồ vật, con người và phố cổ Hội An. Nhưng sớm nhận ra bản thân đang bước vào lối đi của nhiều người khác, nam họa sĩ quyết tâm thay đổi.
"Tôi muốn thoát ra khỏi sự bế tắc trong hội họa và tư duy thẩm mỹ. Tôi muốn đi ngược lại với những gì mà những họa sĩ có tên tuổi trước đây đã làm. Người Việt Nam cũng có thể làm nên điều mà trên thế giới có thể làm được", Quốc Dân tự tin nói về niềm đam mê đeo đuổi trường phái phi lập thể trong tranh của anh.
Thay vì dùng lối vẽ mảng màu, hay hình khối để tạo hình chủ thể như xu hướng lập thể, Nguyễn Quốc Dân dùng những dây màu liền mạch đan xen vào nhau một cách vô trật tự tạo nên một cấu trúc mới cho chủ thể.
Để tạo nên những dây màu, anh cũng không tuân theo lối vẽ truyền thống bằng cọ mà sử dụng ống màu nylon tạo hình chủ thể trên nền vải bố. Đây được coi là một trường phái hội họa khá mới ở Việt Nam và ít người theo đuổi.
Sợi dây màu vàng vẽ nên người đàn ông trong tư thế nằm. |
Quốc Dân cho biết thêm, để vẽ được những tác phẩm này, người họa sĩ phải đặt phông nền nằm xuống đất và di chuyển vòng quanh khung hình một cách liên tục cho đến khi không thể chạy được nữa thì dừng lại.
"Với đặc trưng của lối vẽ tranh theo phong cách này, tình trạng sao chép trang sẽ khó xảy ra. Ngay cả bản thân tôi nếu muốn vẽ lại một bức tranh của mình cũng không phải dễ. Mỗi một sợi màu là một cảm xúc liền mạch của người vẽ khi thực hiện, mà cảm xúc thì không phải lúc nào cũng duy trì liên tục và giống nhau", anh nói.
22 bức họa theo trường phái phi lập thể của Nguyễn Quốc Dân được triển lãm tại Trung tâm mỹ thuật ứng dụng, ĐH Mỹ thuật TP HCM, từ ngày 14 đến 24/9.
Hải Duyên