Theo quyết định do Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ký ban hành sáng nay, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam áp dụng cho tháng 9 là 14% một năm. Đây là tháng thứ ba liên tiếp lãi suất cơ bản không thay đổi. Với quyết định này, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn được khống chế ở mức trần 21%.
Cũng trong sáng nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng lên 3,6%, gấp 3 lần mức áp dụng từ 20/7/2004 đến nay. Ngân hàng Nhà nước lý giải giữ nguyên lãi suất cơ bản và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Theo Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại khá phấn khởi với động thái mới của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định hiện hành, sau khi huy động từ dân cư và doanh nghiệp, các ngân hàng phải trích 11% để dự trữ bắt buộc (đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng). Số tiền này được gửi ở Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước với lãi suất khiêm tốn 1,2% một năm. Nay phần lãi này tăng gấp 3, giúp giảm áp lực về chi phí đầu vào cho các ngân hàng thương mại.
Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Ngoài quốc doanh Lê Đắc Sơn cho biết nhà băng này đã hạ lãi suất cho vay USD từ hơn một tuần nay và đang cân nhắc điều chỉnh lãi suất tiền đồng. "Với quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ cân nhắc giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống dưới 21%, có thể là 20,5% một năm", ông Sơn nhấn mạnh.
Đầu ra bị khống chế, trong khi phải huy động với lãi suất cao, gửi dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu bắt buộc với lãi suất thấp, nhiều nhà băng lâm vào cảnh càng cho vay càng lỗ. Từ giữa tháng 8 đến nay, dù vẫn rất lo khách hàng rút vốn, nhiều ngân hàng đã phải hạ lãi suất huy động nhằm giảm chi phí đầu vào, từ đó có thể điều chỉnh lãi suất cho vay. Trong giai đoạn chạy đua hút vốn, nhà băng chấp nhận chuyện khách hàng mặc cả để nâng lãi suất huy động cao hơn mức niêm yết. Nhưng từ đầu tháng, tình trạng này đã chấm dứt.
"Nếu khách hàng rút vốn để đi tìm nơi khác có lãi suất cao hơn, chúng tôi cũng phải chấp nhận. Bởi cứ duy trì phần vốn huy động với lãi suất cao, trong khi đầu ra không thể tăng lên, chúng tôi thực sự khó khăn", giám đốc một ngân hàng tâm sự.
Theo VnExpress