Hi vọng về nền dân chủ nghị viện đầu tiên


Cử tri thực hiện quyền của mình tại điểm bỏ phiếu ở làng Koy-Tash, cách Bishkek 15km, ngày 10-10-2010 - Ảnh: Reuters

 

Nữ tổng thống lâm thời Roza Otunbayeva tuyên bố trên truyền hình: “Chúng ta không chỉ bầu ra quốc hội, mà là bầu ra hệ thống chính quyền mới. Chúng ta mở ra trang mới trong lịch sử Kyrgyzstan”. Dấu mốc trọng đại trong lịch sử Kyrgyzstan diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp diễn giữa các sắc tộc Uzbeks và Kyrgyz. Bà Roza đã có được sự ủng hộ của dân chúng sau đợt trưng cầu ý dân vào cuối tháng 6-2010, trao thêm quyền cho Quốc hội Kyrgyzstan sau cuộc nổi dậy đẫm máu và xung đột sắc tộc.

 

Kyrgyzstan là trường hợp độc đáo trong số các quốc gia Trung Á thời hậu Xô viết; là nước có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị của khu vực, cả Mỹ và Nga đều có căn cứ không quân đặt tại đây. Mỹ công khai ủng hộ kế hoạch tạo ra nền dân chủ nghị viện đầu tiên trong khu vực Trung Á, khác hẳn với các hệ thống chính trị do tổng thống lãnh đạo ở các nước khác. Nhưng Nga đã phản đối mô hình nghị viện, vì cho rằng mô hình này sẽ đưa đất nước Kyrgyzstan rơi vào tình trạng bạo lực, hay các tay súng Hồi giáo có thể nổi lên chiếm quyền trong lúc các phe cánh chính trị mải cạnh tranh để gây ảnh hưởng.

Theo Reuters, các cử tri hi vọng với việc thủ tướng được trao nhiều quyền hơn tổng thống sẽ hàn gắn được quốc gia sau bốn tháng kể từ khi cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền cũ và xung đột sắc tộc ở miền Nam khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị mất nhà cửa. Đến nay, các cử tri chưa biết đảng nào có thể chiếm đa số ghế trong quốc hội mới.

 

Tại khu vực Osh ở miền Nam, tâm chấn của bạo lực hồi tháng 6, thống đốc tỉnh này cho rằng bạo lực có thể tái diễn nếu ứng viên mà các cử tri ủng hộ không có ghế trong quốc hội mới. Nhiều khu vực nơi đây vẫn còn hoang tàn, và nhiều người Uzbeks vẫn đang ở trong các túp lều tạm.

Thủ lĩnh phe đối lập, bà Roza Otunbayeva, đã lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev - người có sự ủng hộ lớn của cử tri ở miền Nam - vì cáo buộc ông tham nhũng, chỉ lo vun vén cho mình và những người thân tín. Bà Otunbayeva tuyên bố muốn đưa Kyrgyzstan trở lại với hiến pháp dân chủ nhất của nước này năm 1993, khi dân chủ bắt đầu manh nha tại đây. “Như chúng ta đã biết, hiến pháp này đã bị thay đổi để tổng thống có nhiều quyền hơn. Và ai cũng biết hậu quả ra sao. Người dân không bao giờ quên điều gì. Họ nhớ tất cả”.

Có khoảng 800 nhà quan sát từ 32 tổ chức quốc tế đến theo dõi cuộc bầu cử. Bà Otunbayeva tuyên bố sẽ không có tham nhũng và lừa đảo trong cuộc bầu cử này. Riêng Tổ chức Hợp tác và an ninh ở châu Âu (OSCE) đã cử 40 nhà quan sát thường trực đến, và cử thêm 200 nhà quan sát nữa vào ngày 10-10. Phát ngôn viên OSCE nói: “Chúng tôi hi vọng tình hình an ninh ổn định và mọi cử tri đều có thể có lá phiếu của mình trong hòa bình”.

Có 29 đảng phái đã đăng ký tranh cử, trong đó có sáu đảng dự tính có sự ủng hộ lớn từ 2,8 triệu cử tri Kyrgyzstan, nhưng khó có đảng nào sẽ chiếm 15% số phiếu bầu. Các đảng có nhiều sự ủng hộ là Đảng Dân chủ xã hội của Kyrgyzstan do Almazbek Atambayev - cấp phó của bà Otunbayeva - làm thủ lĩnh và Đảng Ata Meken của cựu chủ tịch quốc hội Omurbek Tekebayev. Khả năng thành lập chính phủ liên hiệp là điều khó tránh khỏi với Kyrgyzstan. Đất nước này vẫn còn chia rẽ giữa hai phe: một bên ủng hộ hiến pháp mới giúp tăng quyền cho quốc hội và phe còn lại muốn phục hồi quyền lực của tổng thống. Kết quả bầu cử ban đầu sẽ được thông báo hôm nay (11-10).

KHỔNG LOAN


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16152
Số người truy cập:
9286816