Hành trình tái sinh thành phụ nữ của ông giám đốc người Pháp ở Hà Nội

 Celine Audebeau sống với hai chú mèo giống Ba Tư mặt tịt trong căn biệt thự hai tầng rộng 400 m2 nằm trong một con ngõ nhỏ ở khu Hồ Tây, Hà Nội. Cũng như nhiều người phụ nữ độc thân khác, cô tập yoga và bơi hàng ngày để giữ dáng, hẹn hò qua ứng dụng điện thoại Tinder, thích đi mua sắm với bạn bè và mày mò nấu nướng. Nhưng ít ai biết Celine mới chỉ thực sự sống cuộc sống của một người phụ nữ hơn một năm nay.

Vào năm 1964, ở vùng Alsace, phía đông nước Pháp, gần biên giới với Đức, Celine Audebeau chào đời trong hình hài của một bé trai, được cha mẹ đặt tên là Christophe. "Khi lên 5-6 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không đúng", người phụ nữ Pháp năm nay 54 tuổi nói với VnExpress. "Tôi thích diện váy của chị hơn mặc quần áo dành cho con trai".

Lớn lên ở một nơi mà dường như mọi người đều biết nhau, cậu bé Christophe không bao giờ dám chia sẻ hay đặt câu hỏi cho thắc mắc đó. Ở trường học, con gái mặc váy còn con trai mặc quần. Phòng vệ sinh nữ được sơn màu hồng còn phòng vệ sinh nam sơn màu xanh. Christophe ngầm hiểu rằng đây là quy định và cậu phải tuân theo.

Hành trình tái sinh của người phụ nữ Pháp chuyển giới ở Hà Nội

Christophe Audebeau lúc 5 tuổi. Ảnh: NVCC.

Năm Christophe lên 10 tuổi, ông bà Audebeau đứng ra nhận đồ quyên góp cho người nhập cư. Hàng đêm, đợi khi mọi người ngủ say, cậu bé lẻn xuống dưới nhà và lục tìm những chiếc váy trong đống quần áo cũ. "Dù chỉ một vài phút thôi nhưng đó là những giây phút của tự do", Celine Audebeau vẫn nhớ cảm giác chiếc váy ôm lấy cơ thể, chất vải mềm mịn trượt nhẹ trên da.

Christophe của những năm tháng niên thiếu chơi bóng chuyền, bơi lội, chạy đường trường, tập điền kinh với cường độ nặng. "Cảm giác kỳ lạ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi và thể thao là lối thoát duy nhất. Nhưng dù cố gắng thế nào, tôi cũng chỉ chạy trốn được trong chốc lát", Celine của hiện tại thừa nhận gần như suốt cuộc đời cô "đã chống lại con người thật của mình".

Sống trong dối trá

Năm 18 tuổi, Christophe gặp Annie, một cô gái duyên dáng với mái tóc màu nâu hạt dẻ, dáng người thanh mảnh, giọng nói ấm áp và gương mặt bừng sáng với nụ cười tươi. Christophe hoàn toàn bị thu hút. Suốt 12 năm chung sống và có một cô con gái, Christophe không một lần chia sẻ với Annie về khao khát thầm kín của mình. Hai người chia tay sau một thời gian dài Christophe vật lộn với trầm cảm. Các buổi trị liệu với bác sĩ tâm lý không giúp anh hiểu được điều gì đang xảy ra. Christophe thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử.

"Bây giờ nhìn lại, tôi mới hiểu cảm giác si mê dành cho Annie không phải là tình yêu nam nữ mà nó xuất phát từ ước ao được trở thành một người phụ nữ xinh đẹp giống cô ấy", nếu có thể quay ngược thời gian, Celine sẽ nói điều đó với bản thân.

Hành trình tái sinh của người phụ nữ Pháp chuyển giới ở Hà Nội - 1

Christophe năm 14 tuổi chụp ở quê nhà vùng Alsace, phía đông nước Pháp. Ảnh: NVCC.

Năm 32 tuổi, Christophe gặp Jeannet, một người phụ nữ hơn anh 14 tuổi. Lần này, anh quyết định thành thật và nói ra bí mật chôn giấu bấy lâu. "Cô ấy chấp nhận", Celine kể lại. "Hàng này tôi mặc veste đi làm, nhưng khi cánh cửa nhà khép lại, tôi được tự do mặc đồ phụ nữ mà không bị phán xét". Sau một năm hẹn hò, Christophe cầu hôn. Trước khi nhận lời, Jeannet hỏi liệu chồng sắp cưới có phải là người đồng tính. Anh trả lời bằng giọng quả quyết: "Không!"

Christophe không nói dối. Theo tài liệu tổng hợp của trung tâm ICS, tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam, người đồng tính là người cảm thấy hấp dẫn về mặt tình cảm, thể xác với người cùng giới; và họ không muốn thay đổi giới tính sinh học của mình. Trong khi đó, người chuyển giới là những người có suy nghĩ, cảm nhận về giới tính không trùng với giới tính bẩm sinh, ví dụ một người sinh ra với cơ thể đàn ông nhưng cảm nhận mình là phụ nữ hoặc ngược lại. Mạng Internet chưa phổ biến, do thiếu thông tin, Christophe cứ ngỡ mình là "người duy nhất trên thế giới có cảm giác kỳ lạ như vậy".

Thời gian trôi qua, Christophe tưởng "đã xoa dịu được người phụ nữ ở bên trong". Sự nghiệp có bước đột phá khi anh nhận được lời đề nghị làm quản lý một nhà máy thuyền phao ở Thượng Hải, Trung Quốc, rồi làm giám đốc công ty sản xuất áo phao cứu hộ với hàng trăm công nhân ở Hà Nội. Cuộc sống vật chất sung túc và thoải mái. "Bề ngoài, tôi là một doanh nhân, một người chồng, một người cha. Chỉ là một gã đàn ông bình thường", Celine nói. "Nhưng bên trong tôi luôn cảm thấy bế tắc và đau khổ".

Anh chìm trong rượu và thuốc lá. Ăn uống vô độ khiến cân nặng của Christophe tăng lên đến 106 kg. Bệnh tật kéo tới, anh phải quay về Pháp để điều trị chứng phì đại tuyến giáp. Sau ca mổ phức tạp, Christophe bị xuất huyết nội tạng, ngừng thở trên đường đến phòng cấp cứu. "Tôi nhớ rất rõ lúc trút hơi thở cuối cùng, tôi nghĩ mình sẽ từ biệt cõi đời này mà chưa một giây phút nào sống như ý muốn, sống như một người phụ nữ". Được cứu sống khi tim đã ngừng đập, Christophe cảm thấy như thể Chúa vừa trao cho anh cơ hội thứ hai, cuộc đời thứ hai.

Hành trình tái sinh

Christophe (trái) lập kỷ lục thế giới khi bắt được con cá chép nặng 86 kg. Ảnh: NVCC.

Christophe (trái) lập kỷ lục thế giới khi bắt được con cá chép nặng 86 kg. Ảnh: NVCC.

Ngày nói dối 1/4/2015 tình cờ lại là ngày Christophe quyết định chấm dứt chuỗi ngày sống trong dối trá. Sau nhiều năm hoang mang và bế tắc, anh bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai?" và "Liệu có giải pháp nào cho người như tôi?"

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 6 đã loại chuyển giới ra khỏi chương rối loạn tâm thần trong bảng phân loại quốc tế về bệnh tật. "Giờ đây, bất cứ người chuyển giới nào bị gia đình dẫn đi khám tâm thần, đều có quyền yêu cầu bác sĩ dựa vào bảng phân loại mới để chẩn đoán 'bệnh' cho họ", anh Chu Thanh Hà, nhà hoat động vì quyền của người chuyển giới, cho biết. Trong nhiều năm qua, nhiều chuyên gia đã coi hiện tượng chuyển giới là một loại bệnh và có thể chữa trị.

Christophe tìm thấy lời giải thích đầy đủ trong cuốn hướng dẫn chẩn đoán tâm lý, theo đó, anh "nhận thức mạnh mẽ và liên tục về định dạng giới tính chéo, đó là khát khao được trở thành người có giới tính khác" đồng thời "luôn cảm thấy không thoải mái với giới tính bẩm sinh".

Không có cách chữa trị nhưng có giải pháp cho những người như Christophe. Đó là dùng hormone. Anh uống một loại ức chế nội tiết tố nam testosterone và loại thứ hai để tăng nội tiết tố nữ estrogen. "Ngực tôi to lên nhanh chóng và cơ thể giảm gần 30 kg. Tôi cảm thấy mình nữ tính hơn".

Sau nhiều năm chấp nhận chồng mặc quần áo phụ nữ trong nhà, Jeannet dường như bình tĩnh đón nhận quyết định dùng hormone của Christophe. Nhưng khi anh bắt đầu thử trưng diện như phụ nữ ra ngoài ăn tối hoặc đi nghe nhạc, Jeannet ghét điều đó. Người phụ nữ 65 tuổi không thể chịu nổi ý nghĩ: "Chồng mình đang ở đâu đó ngoài kia trong một bộ váy? Nếu ai đó quen biết nhìn thấy anh ấy trong bộ dạng như vậy thì sao?" Thời gian Jeannet sống cùng Christophe ít dần. Một năm sau đó, bà chỉ ở Hà Nội khoảng ba tháng trong năm.

Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng người chuyển giới, nhiều người không dám công khai do lo sợ bị kỳ thị. Con số ước tính là 0,3% - 0,5% dân số Việt Nam, tương đương 270.000 – 290.000 người, theo Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật quy định về chuyển giới.

Thạc sĩ Thu Thủy cho biết người chuyển giới có thể lựa chọn tiêm hormone và không phẫu thuật hoặc phẫu thuật một phần hoặc phẫu thuật toàn bộ. Kết quả một cuộc khảo sát trong cộng đồng người chuyển giới chỉ ra hầu hết những người được hỏi đều đồng ý đó là "lựa chọn cá nhân, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người vì các cuộc phẫu thuật như thay đổi cơ quan sinh dục và làm ngực thường tốn kém", bà Thủy nhấn mạnh.

Trong dự thảo luật, Bộ Y tế đề xuất ba phương án để người chuyển giới được pháp luật công nhận. Thứ nhất, họ có thể được công nhận sau hai năm sử dụng hormone liên tục. Thứ hai là sau phẫu thuật ngực. Thứ ba, họ có thể phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục. "Chúng tôi đang nghiêng về phương án dùng hormone cộng với thực hiện giải pháp can thiệp y tế một phần", nữ cán bộ Vụ Pháp chế nói.

Dự thảo luật cũng yêu cầu người muốn chuyển giới phải trải một quá trình nhận diện giới với bác sĩ tâm lý để xác định họ có bản dạng giới khác với giới tính bẩm sinh. Theo đề xuất, sau thời gian tư vấn kéo dài 6 tháng cộng thêm một năm sử dụng hormone, người chuyển giới mới được tiến hành phẫu thuật.

Celine Audebeau trước và sau khi phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Ảnh: NVCC.

Celine Audebeau trước và sau khi phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Ảnh: NVCC.

Christophe quyết định phẫu thuật chuyển giới sau hai năm dùng hormone. "Nếu đã sống hơn 50 năm trong thân hình một người đàn ông, tại sao anh không thể tiếp tục sống nốt quãng đời còn lại như vậy?" Jeannet hỏi trong nước mắt. Christophe trả lời: "Anh không thể tiếp tục đóng hai vai như thế này. Anh đã sống vì gia đình, vì những người thân. Giờ đã đến lúc anh có thể ích kỷ được rồi".

Christophe không muốn ly dị. Tất nhiên, sau phẫu thuật, họ sẽ phải điều chỉnh mối quan hệ. Dù biết đòi hỏi như vậy là quá nhiều, anh vẫn hy vọng người bạn đời 20 năm sẽ thấu hiểu và ủng hộ anh trong những bước đi quan trọng sắp tới. Jeannet gật đầu đồng ý.

Nhưng chỉ vài ngày trước chuyến bay sang Bangkok, Jeannet bỏ Christophe lại Hà Nội và quay về Pháp. "Người đàn ông em lấy làm chồng đang biến thành một người phụ nữ. Sống như vậy ở Hà Nội và trong nhà chúng ta thì không sao. Nhưng sống ở Pháp và đi ra ngoài đường cùng anh, em không làm được".

Xin chào Celine!

Celine Audebeau tại nhà riêng ở 

Celine Audebeau tại nhà riêng ở phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Hạnh Phạm.

"Cuối cùng, cô ấy có thể nhìn vào gương và thấy con người thật của mình. Celine đã đợi chờ nhiều năm để được thế giới biết đến!" Những dòng đầu tiên trong cuốn nhật ký, Celine Audebeau viết sau qua ca phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục nữ và cắt yết hầu dài 7 tiếng.

Trong ba tháng, Celine trải qua 4 cuộc phẫu thuật bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ để đường nét trên khuôn mặt thanh tú và mềm mại hơn với tổng chi phí 30.000 USD. "Sau phẫu thuật, các đường nét trên cơ thể của người chuyển giới trở nên nữ tính hoặc nam tính hơn, họ sẽ bớt phải đối mặt với những kỳ thị của xã hội", bác sĩ Sutin phẫu thuật chỉnh hình gương mặt cho Celine tại bệnh viện tư nhân Preechasurgery, ở Bangkok trả lời VnExpress qua email.

Celine thậm chí thuê chuyên gia luyện giọng với giá 75 USD một giờ để "chỉnh đường tiếng khớp với đường hình", cô phân tích rằng xã hội quan niệm có hai giới là nam và nữ, nếu muốn trở thành phụ nữ thực sự thì cô không chỉ thể hiện bề ngoài như phụ nữ mà còn trở thành người phụ nữ từ bên trong.

"Giọng nói rất quan trọng. Hãy thử tưởng tưởng bạn diện một chiếc váy thật duyên dáng đi nhà hàng nhưng phục vụ vẫn gọi bạn là 'ngài'. Tình huống đó khiến tất cả mọi người đều khó xử", Tiphaine De Torcy, chuyên gia hướng dẫn Celine luyện giọng trong 18 tháng, nhận xét.

Dù rất nỗ lực để được công nhận là một người phụ nữ, Celine vẫn là đàn ông trên giấy tờ. Sau mỗi lần phẫu thuật từ Thái Lan trở về, ngay khi vừa xuống máy bay, cô chạy vội vào phòng vệ sinh tẩy bỏ lớp trang điểm và thay quần áo nam giới. "Đứng trước cán bộ hải quan, tôi phải làm bộ mặt thật ngầu", Celine nói.

"Do hạn chế về pháp lý, người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện những quyền cơ bản của con người, ví dụ quyền tự do đi lại. Khi đi máy bay cần trình căn cước hoặc hộ chiếu, cơ quan hải quan thấy giấy tờ là một người khác, còn thực tế là một người khác", thạc sĩ Thu Thủy nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng dự thảo luật đối với người chuyển đổi giới tính.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về xác định lại giới tính, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép cá nhân xác định lại giới tính trong trường hợp "giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ". Việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị cấm. Hiện nay, chưa có người chuyển giới nào ở Việt Nam thay đổi được giới tính trên hộ tịch.

Celine Audebeau (váy trắng, giữa) 

Celine Audebeau (váy trắng, giữa) trong một bữa tiệc hồi tháng 8. Ảnh: NVCC.

Khác Việt Nam, Pháp đã công nhận người chuyển giới. "Tôi mất đúng một năm đi lại giữa hai nước chỉ để sửa chữ M (nam giới) thành F (phụ nữ) trên tấm hộ chiếu", Celine nói.

Cô tin rằng mình là người chuyển giới đầu tiên đang sống ở Việt Nam được luật pháp thừa nhận. Tất cả cổ phiếu đứng tên Christophe nay đã được sang tên cho Celine. Giám đốc của công ty không còn là một người đàn ông mà quyền lãnh đạo đã chuyển giao cho một người phụ nữ.

Ngày đầu tiên trở lại làm việc, Celine lo lắng: "Suốt 5 năm, nhân viên quen với hình ảnh một ông giám đốc. Họ sẽ đón nhận người phụ nữ này thế nào đây?" Nhưng trái ngược với dự đoán, họ chào đón cô về bằng một bữa tiệc nhỏ ấm cúng. Có người rơi nước mắt vì nghĩ thương Celine đã phải chịu đựng đau khổ suốt một thời gian dài. "Phải nói bà ấy thật dũng cảm", anh tài xế, đưa đón cô đi làm hàng ngày, đến giờ vẫn còn kinh ngạc.

Celine chưa có mối quan hệ yêu đương nghiêm túc với bất cứ người đàn ông nào nhưng cô rất tích cực hẹn hò. Điều thú vị là ban đầu tất cả đều không biết Celine là người chuyển giới. Có lần một người hỏi cô về con cái. "Con bé đang sống với mẹ ở bên Pháp", cô trả lời. Và anh chàng ngạc nhiên hỏi lại: "Vậy thì em là gì của con bé?" 

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Tôi đang sống bù cho những năm tháng bỏ lỡ", Celine nói với nụ cười lớn thường trực trên môi.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19859
Số người truy cập:
9019357