Hàng trăm cây xăng ăn bớt của khách

Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, có 225 cây xăng, chiếm 17% trong tổng số 1.312 cửa hàng tại 48 tỉnh thành được kiểm tra có vi phạm về đo lường và chất lượng. Các địa phương có nhiều điểm gian lận gồm Gia Lai với 71 cây xăng, An Giang 36 và Hưng Yên 24.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi với VnExpress.net.

- Ông nhận xét gì về cách thức các cửa hàng xăng gian lận trong thời gian gần đây?

- So sánh kết quả thanh tra của năm nay với năm 2003 cho thấy, số trường hợp đã giảm đi, nhưng cách thực hiện lại tinh vi hơn trước rất nhiều. Năm 2003, trong tổng số trên 4.470 cây xăng được kiểm tra, thì gần 56% có gian lận. Kết quả kiểm tra tại hơn 1.300 cây xăng tại 48 tỉnh thành mới đây cho thấy, 17% có gian lận.

Trước đây, hiện tượng gắn chip vào các cột bơm chỉ lác đác ở vài nơi, nhiều nhất là ở tỉnh Tây Ninh, thì nay đã lan ra nhiều địa phương khác. Chẳng hạn, Vĩnh Phúc có 8 trong tổng số 23 cơ sở kiểm tra có vi phạm, tại Nghệ An thì có 9/25 xây xăng gian lận bằng cách lắp IC (mạch tích hợp) để điều khiển.

Có trường hợp tại Long An, một cửa hàng xăng có 4 cột bơm, thì cả 4 cột đều phát hiện có gắn thêm bo mạch điện tử. Khi được hỏi, chủ cây xăng nói là thiết bị chống sét, nhưng kiểm tra thì thực tế là thiết bị gian lận.

Từ năm 2007, cách gian lận xăng dầu trở nên phức tạp hơn trước, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Các gian lận chủ yếu là về đong đếm khối lượng, về chất lượng thì ít hơn.

- Gian lận xăng dầu thường xảy ra ở những địa bàn nào?

- Những trường hợp gian lận mới phát hiện thường là ở những cây xăng ở xa trung tâm, nhưng có lưu lượng xe cỡ lớn qua lại nhiều. Các trọng điểm trước đây là các thành phố lớn, nhưng nay lan rộng ra các tỉnh. Mặt khác, trước đây các trường hợp gian lận đều là "cò con", tức là làm bằng các hình thức thông thường, như ngắt dây chì tại cột bơm để điều chỉnh và dán lại... nhưng nay họ trở nên liều lĩnh hơn và sử dụng công nghệ cao.

Có những địa phương phát hiện nhiều vi phạm, nhưng cũng có nơi không phát hiện trường hợp nào. Đó có thể là do địa phương đó kiểm soát tốt các cây xăng, nhưng cũng không loại trừ trường hợp thông tin về đợt thanh tra bị rò rỉ và họ đã có sự chuẩn bị.

- Những hình thức gian lận xăng dầu nào hay gặp nhất?

- Gian lận công nghệ cao phổ biến nhất là sử dụng thiết bị điều chỉnh sai số của máy bơm. Họ dùng IC với mã số bí mật được cài đặt sẵn và có thể điều khiển qua bàn phím cột bơm, khiến cột hiển thị lượng xăng lớn hơn thực tế. Có trường hợp họ lắp bảng vi mạch điện tử gây sai số, thậm chí đến hơn 9%, như tại Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ. Nghệ An.

Cũng có nơi cột bơm được lắp thêm công tắc chuyển mạch hoặc thiết bị đóng ngắt cầu dao có mã số. Khi cầu dao được ngắt, dữ liệu về việc đong đếm xăng không đầy đủ sẽ bị xóa hết, và màn hình hiển thị trở về trạng thái như khi chưa hề có gian lận. Khi chúng tôi đến kiểm tra, chủ cây xăng chỉ cần cho ngắt cầu dao và nói rằng do mất điện, nên hành vi gian lận này rất khó bị phát hiện.

Những gian lận bằng kỹ thuật cao này đều khó phát hiện bằng quan sát thông thường. Chúng tôi cũng phải kiểm tra đột xuất mới phát hiện vi phạm. Nếu báo trước và kiểm tra đồng loạt trên các địa bàn, thì các cửa hàng sẽ chuẩn bị để đối phó, và đợt kiểm tra sẽ trở thành việc đi hợp thức hóa là họ không có gian lận.

- Những thiết bị để gian lận xăng dầu mới phát hiện đều là công nghệ cao. Vậy tại sao nhiều cửa hàng lại có thể sử dụng phổ biến như vậy?

- Những chủ cây xăng bị phát hiện gian lận cho hay, họ mua các thiết bị trôi nổi trên thị trường, thậm chí có những người rao bán với giá 1-4 triệu đồng. Họ thử lắp vào máy, hoạt động tốt mới mua. Chỉ sau vài ngày bán hàng gian lận, cửa hàng có thể lấy lại vốn khoản "đầu tư" này.

Hiện chúng tôi chưa lần ra nguồn gốc các thiết bị. Chúng có thể do những người thuộc cơ quan sản xuất các loại máy móc đo nhiên liệu tung ra. Họ biết được mật mã, cách bẻ khóa và cài đặt chương trình.

Cũng có thể có những chuyên gia về công nghệ thông tin giúp họ bẻ khóa và thay đổi chương trình điều khiển, cài lại phần mềm trong các máy bơm xăng. Tại Nghệ An, chúng tôi đã đề nghị công an cùng tham gia để tìm ra nguồn gốc các thiết bị gian lận.

- Các ông đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm về xăng dầu ra sao?

- Hình thức xử lý với các vi phạm hiện nay mới là phạt hành chính, với mức cao nhất là 20 triệu đồng. Ngoài ra, các phương tiện để gian lận cũng bị thu giữ và kiểm định trước khi được đưa vào sử dụng.

Theo yêu cầu mới đây của Thủ tướng, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, sẽ rút giấy phép kinh doanh và xử lý hình sự.

Theo VnExpress



Giày Đại Phát solution
Số người online:
17641
Số người truy cập:
8742551