Hà Hà, sinh năm 1999 tại Hà Nội,đang là một game streamer toàn thời gian. Mỗi ngày cô đều phát trực tiếp khoảng 7-8 tiếng trên kênh YouTube cá nhân với gần 300.000 lượt đăng ký và ứng dụng Nonolive mà cô đã ký hợp đồng.
Cô thường bắt đầu ngày mới từ 10h30 khi mọi người đã đi làm. Ngay sau khi thức giấc, cô nhanh chóng thực hiện ca livestream đầu tiên, kéo dài bốn tiếng liên tục. 14h30 là lúc Hà ăn trưa và suy nghĩ kịch bản cho buổi livestream tối, diễn ra từ 21h đến 24h. Cô tiếp tục dành 2-3 tiếng để lên kịch bản cho buổi livestream hôm sau trước khi đi ngủ vào 4h sáng.
Đối với nhiều người trẻ, khái niệm streamer không còn xa lạ. Đây được coi là một nghề "hái ra tiền", gắn liền với sự nổi tiếng. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng trên mạng, không ít streamer phải đối mặt với áp lực tâm lý, những lời nói xúc phạm trên không gian ảo, thậm chí đánh đổi sức khỏe bản thân.
Theo ước tính của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người. Đây chính là nhóm người dùng chủ đạo và tiềm năng để các nền tảng livestream phát triển mạnh mẽ. Họ không chỉ là "người dùng" mà còn là "người tạo nội dung tiên phong" trên các nền tảng.
Công việc của Hà đã tiếp diễn như vậy suốt bốn năm qua và hầu như không có ngày nghỉ. "Sinh hoạt của tôi đảo lộn, lúc mọi người đi ngủ là giờ tôi làm việc. Thời gian người khác dành cho người thân, bạn bè lại là lúc tôi ngồi chơi game, tâm sự trước màn hình. Hồi đầu, bố mẹ nghĩ tôi có vấn đề tâm lý khi suốt ngày giam mình trong phòng và nói chuyện một mình", Hà kể.
Có niềm đam mê với game từ khi còn đi học, khi ra trường, cô quyết định gắn bó với livestream thay vì đi làm văn phòng như bạn bè. Bắt đầu từ số không, chưa có tên tuổi nên con đường streamer của cô không hề dễ dàng. Giai đoạn đầu, cô tự chơi game và phát trực tiếp trên kênh YouTube cá nhân, chủ yếu để giao lưu, làm quen và tạo nhóm người xem thân thiết, nhưng gần như không có ai chú ý. "Với một nghề sống bằng sự nổi tiếng mà livestream hai tháng không ai xem, đó thực sự là một áp lực nặng nề với tôi", Hà nói.
Sau đó, cô chuyển sang livestream cho một ứng dụng giải trí với thời lượng bốn tiếng một ngày. Số người xem bắt đầu tăng dần. "May mắn của tôi là được các đơn vị phát hành game biết đến và mời lên văn phòng để livestream. Sau một thời gian ngắn, tên tuổi của tôi cũng được nhiều bạn chơi game biết đến", Hà chia sẻ.
Hà nói công việc hiện tại đem lại cho cô mức lương cao nhưng không trải hoa hồng, mà phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Đôi khi, cô cũng cảm thấy áp lực khi số người xem giảm một nửa, cùng với đó là sức ép, sự cạnh tranh của hàng loạt streamer mới nổi với nhiều chiêu trò giữ chân người xem.
"Tôi phải liên tục đổi mới bản thân để người xem không bị nhàm chán, làm sao để mọi người hào hứng theo dõi nội dung của mình mỗi ngày. Ví dụ thay vì chơi game, trò chuyện, tôi tạo phòng cho mọi người vào thi đấu, ai được giải sẽ được thưởng", nữ streamer 9x nói thêm.
Nhiều streamer còn đối mặt với những lời mắng nhiếc, xúc phạm trên không gian mạng. Hà kể có đêm cô phải tắt livestream giữa chừng vì không chịu nổi sự xúc phạm từ những bình luận tiêu cực."Việc phục vụ một cộng đồng ẩn danh không phải chuyện dễ dàng. Họ sẵn sàng buông lời tục tĩu mỗi khi tôi chơi dở, hoặc chửi bới nếu không làm theo ý họ. Thậm chí, họ kỳ thị vì tôi là con gái mà học đòi chơi game. Mỗi lần như thế, tôi thường mất từ ba đến bốn ngày để lấy lại tinh thần", Hà nhớ lại.
Cũng là một streamer như Hà nhưng Phương Anh, sinh năm 1993 tại Hà Nội, chỉ coi livestream là việc bán thời gian. Cô thường livestream khoảng ba tiếng mỗi ngày sau giờ làm.
Có những hôm đi làm về muộn nhưng vì sức ép chỉ tiêu, cô vẫn phải ngồi trước màn hình chơi game, nói chuyện vui vẻ từ 21h đến nửa đêm. Với cô, áp lực lớn nhất là những lúc bị giảm lượt xem. "Cái khó của nghề streamer là làm sao níu chân người xem cũ và thu hút người xem mới. Điều này đòi hỏi bản thân phải chăm chỉ, tìm tòi, đổi mới nội dung để người xem không bị nhàm chán", cô nói. "Ngoài ra, người làm nghề streamer cũng cần biết cách tự bảo vệ bản thân, có cái nhìn lạc quan để vượt qua những bình luận tiêu cực, xúc phạm trên không gian mạng".
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, Phương Anh cộng tác và làm MC cho một công ty thể thao điện tử. Tiếp xúc với môi trường esport nên cô thử chơi game. Thời gian đầu, cô livestream trên nền tảng của một công ty Việt Nam, sau đó ký hợp đồng với ứng dụng Tamago của Trung Quốc. Dù khi đó chỉ là một streamer không mấy nổi tiếng, mức lương cứng cao nhất cô từng nhận được một tháng là 900 USD, chưa kể tiền ủng hộ từ người xem.
"So với công việc tôi đang làm song song là giới thiệu sản phẩm công nghệ, thu nhập làm streamer cao hơn rất nhiều. Nếu chơi game tốt, nói chuyện hay và chăm chỉ livestream trên các nền tảng như Nimo, Facebook Gaming, số tiền có thể tăng gấp nhiều lần", cô nói thêm.
Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng xúc phạm, quấy rối cũng thường xuyên xảy ra với các streamer nổi tiếng thế giới. Nightblue3, một trong những streamer người Mỹ nổi tiếng trên nền tảng Twitch và game Liên minh huyền thoại, cũng từng nhận nhiều bình luận tiêu cực, chửi bới khi anh chơi game thua. Thậm chí có người sỉ nhục vì anh không làm theo thử thách nguy hiểm họ đưa ra. Theo trang EKgaming, khi Nightblue3 và bạn gái chia tay, thông tin bị rò rỉ và anh cũng bị chế giễu, chửi bới trong các phiên livestream của chính mình.
Ông Huy Phạm, Giám đốc Metub - công ty chuyên phát triển các kênh YouTube cho các streamer, cho biết thực chất đây không phải nghề "ngồi mát ăn bát vàng" như nhiều người vẫn nghĩ. Đằng sau ánh hào quang, tiền tài, streamer gặp nhiều thách thức và mặt tối ít ai nhìn thấy. Họ phải liên tục đổi mới, sáng tạo nội dung mới có thể giữ chân người xem.
Công việc của streamer không đơn giản là ngồi trước màn hình và nói chuyện. Họ cần lên kịch bản chi tiết, trang điểm, chuẩn bị trang phục, dành thời gian xem lại nội dung cũ để cải thiện bản thân. Khi đứng trước các bình luận chê bai, tiêu cực, mang tính xúc phạm, streamer phải học cách bình tĩnh và xử lý khôn khéo để tránh tai tiếng.
"Đi kèm với những khoản thu nhập đáng mơ ước, họ cũng đánh đổi thời gian và sức khỏe. Có những buổi livestream kéo dài 4-5 tiếng, streamer còn không có thời gian uống nước hoặc đi vệ sinh, kéo dài lâu có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, họ cũng không có thời gian dành cho bạn bè, người thân vì phải tập trung làm liên tục với cường độ cao để đảm bảo chỉ tiêu, duy trì số người xem", ông Huy nói.
Nguyễn Hạnh