Giới trẻ quan tâm di sản hơn nhờ công nghệ

 Tại tọa đàm Di sản với giới trẻ, hôm 27/12 ở Hà Nội, bà Trần Thị Mai Hương - giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I - cho biết gần đây, đơn vị nỗ lực tiếp cận công chúng, nhất là người trẻ.

Bà Mai Hương đưa ví dụ về khu trưng bày Châu bản triều Nguyễn - ký ức một triều đại, khai mạc tại trung tâm hôm 17/11. Ngoài triển lãm văn bản hành chính của các vua triều Nguyễn, đơn vị sử dụng công nghệ trình chiếu, giúp tôn vinh những tài liệu lịch sử. "Công chúng đến triển lãm chủ yếu là người trẻ, đó là tín hiệu rất mừng cho chúng tôi", giám đốc trung tâm cho hay.

Bà Trần Thị Mai Hương (áo hồng) trong tọa đàm, được tổ chức hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam 3/1. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ngoài ra, tài liệu lịch sử được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok với nội dung gần gũi, khơi dậy sự quan tâm của người trẻ với cội nguồn. Các không gian trong trung tâm được sắp xếp lại để tạo nên những góc "thơ", tiệm cận với đời sống. Các triển lãm, tour tham quan tại trung tâm được tổ chức thường xuyên.

Nhiều diễn giả có chung quan điểm cần phải thay đổi cách tiếp cận để công chúng hứng thú với thông tin lịch sử. Ông Vũ Đức Liêm - giảng viên khoa Lịch sử, đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết trong quá trình giảng dạy, ông sử dụng những tư liệu, văn bản gốc được lưu trữ để học trò tự tìm hiểu, đánh giá, thay vì áp đặt quan điểm cá nhân.

Xã hội càng hội nhập, con người càng cần hiểu về nguồn cội là suy nghĩ của bà Đường Ngọc Hà, trưởng phòng giáo dục truyền thông, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bà nhận thấy di sản với giới trẻ hiện còn khoảng cách, là nỗi trăn trở của những người làm văn hóa, lưu trữ tài liệu. Ngoài ra, các bảo tàng di tích ở một số địa phương còn vắng khách vì chưa có cách thức hoạt động mới mẻ.

Bà Đường Ngọc Hà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Nhận thức được điều này, bà Đường Ngọc Hà cho biết vừa qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức tour đêm, sử dụng nhiều công nghệ như 3D mapping, thực tế ảo, được công chúng hưởng ứng. Khách tham quan được trải nghiệm buổi học của sĩ tử xưa, xem các câu chuyện lịch sử, khiến các kiến thức vốn khô khan nay trở nên sống động.

Với hình thức truyền tải qua sách, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Omega Plus - khẳng định xuất bản là một trong những hoạt động nổi bật để phát huy di sản. Nhà sách sẽ chọn những tư liệu, góc độ phù hợp để công chúng có thể kết nối giữa hiện thực về quá khứ, hiểu hơn về lịch sử nước nhà.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - cho biết nếu trước đây các tài liệu chỉ được thể hiện trên văn bản giấy, thì nay "vật mang tin" đã đa dạng hơn, như email, thẻ nhớ, thiết bị thông minh, lưu trữ đám mây. Ông nhận định: "Tài liệu lưu trữ, trong đó có di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng mong muốn được tiếp cận. Đó là nguồn cổ vũ lớn cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản".

Phương Linh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19439
Số người truy cập:
7174686