Giới trẻ gia nhập đường đua chứng khoán

 Nguyễn Quốc (TP HCM), sinh năm 2004, được người cậu hướng dẫn và mở tài khoản chứng khoán năm 2020 khi mới 16 tuổi. Sau khi mua và nắm giữ liên tục 9 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bán lẻ và dầu khí, đến cuối năm đó, Quốc bán hết để thu lời hơn 100 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận trung bình 27% trong 6 tháng.

Tham gia thị trường chứng khoán trễ hơn, Bùi Phương (Trà Vinh) bắt đầu mua mã cổ phiếu đầu tiên vào tháng 6/2021. Khi đó, do phải làm việc ở nhà, thời gian rảnh rỗi nhiều, chàng trai 23 tuổi này thường lướt mạng xã hội. Trong một lần vô tình xem video nói về đầu tư, Phương được tiếp thu những kiến thức cơ bản và phân tích về cơ hội trong mùa dịch. Từ đó, cậu thành một nhà đầu tư chứng khoán F0.

Trước đây, khi nghe qua chứng khoán, Phương khá dè chừng vì chưa từng được giới thiệu trên trường lớp hay từ cha mẹ. Một thời gian dài, chàng trai này từng nghĩ đó chỉ là "trò cờ bạc".

"Giờ mình thấy thú vị. Mỗi sáng mở bảng điện lên, nhìn từng đồng tiền của mình nhảy số trở thành thói quen mang lại cảm hứng tích cực cho tôi", Phương chia sẻ.

Phương đang rót gần 20 triệu đồng vào các mã bluechip thuộc ngành thép, ngân hàng và bán lẻ. Sau 5 tháng chủ yếu nắm giữ, tài khoản chứng khoán của Phương tăng trưởng 17%. Nhận lương vào ngày 10 mỗi tháng, thay vì chỉ biết mang tiền nhờ mẹ giữ, từ nay cậu dồn hết tiền nhàn rỗi vào chứng khoán.

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta ở quận 1, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta ở quận 1, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nguyễn Quốc và Bùi Phương là hai trong nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1996-2010) đang tham gia vào thị trường chứng khoán. Straits Times dẫn thống kê của OCBC - ngân hàng hoạt động trên 19 quốc gia, trong đó có Việt Nam - cho thấy giá trị các khoản đầu tư của các khách hàng dưới 23 tuổi tại nền tảng giao dịch số của họ đã tăng 200% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng DBS cũng đưa ra thống kê, đầu tư của Gen Z tăng 200% từ đầu năm ngoái và tiếp tục tới nay. Nhà băng này ghi nhận nhiều lượng khách hàng sinh từ năm 1996 trở đi đổ tiền vào các sản phẩm tài chính.

Các công ty chứng khoán tại Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Chứng khoán VPS cho biết, trong tháng đầu triển khai gói tài khoản nhà đầu tư trẻ, họ có khoảng 15.000 khách hàng mở mới. Trong tháng 8/2021, số tài khoản mở mới tại Chứng khoán Pinetree tăng gấp bốn lần, nhóm khách hàng sinh dưới năm 1996 chiếm phần lớn.

Tấn Linh - kiểm toán viên và chủ sở hữu kênh nội dung về đầu tư có hơn 81.500 người theo dõi, xác nhận nhiều nhà đầu tư trẻ đang tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong số những người theo dõi kênh của anh, trên 65% dưới 26 tuổi. Ngoài ra, Linh còn lập một nhóm chat hơn 1.000 thành viên, trong đó có nhiều bạn trẻ chỉ mới 16-17 tuổi đã bắt đầu tham gia thị trường với số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng.

"Vẫn còn nhiều bạn trẻ dễ bị thu hút bởi những thứ tiêu tiền và mang lại niềm vui nhưng quan sát tệp người dùng trên kênh của mình, tôi cho rằng ngày càng nhiều Gen Z nghiêm túc trong việc tiếp nhận kiến thức và đạt được thành công khi thực hành trên các thị trường đầu tư tài chính", Tấn Linh cho biết.

Một nhóm cộng đồng về đầu tư chứng khoán khác với 200.000 thành viên cũng có 35% dưới 26 tuổi. Đức Minh - quản trị viên nhóm cộng đồng này cho biết, đây là tỷ lệ rất lớn nếu so với giai đoạn trước. Năm 2018, khi mới thành lập, nhóm này ghi nhận nhà đầu tư Gen Z hầu như chiếm tỷ trọng không đáng kể. Nhưng đến giữa năm ngoái, mỗi ngày Minh và đội ngũ phải duyệt đến hàng chục lượt tham gia vào nhóm cộng đồng này từ những người trẻ.

Việc nhiều nhà đầu tư dưới 26 tuổi gia nhập thị trường ngày càng đông không phải là hiện tượng quá bất ngờ trước cơn sốt chứng khoán kéo dài từ giữa năm 2020 đến nay. Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lượng tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 11 lần đầu vượt mốc 200.000 và tăng hơn 70% so với tháng trước đó. Nhiều công ty chứng khoán nhận thấy tiềm năng lớn từ nhóm nhà đầu tư thế hệ mới cũng tăng cường các chiến dịch tiếp thị và ra mắt gói tài khoản dành riêng cho Gen Z.

Từ một nhóm nhân khẩu học gắn liền với các định kiến "ăn chơi", "vung tiền", "phù phiếm"... Gen Z dần "phá băng", xuất hiện trên thị trường chứng khoán như một nhóm nhà đầu tư tiềm năng. Gen Y - thế hệ Millennials (sinh từ 1986-1991) sinh ra trong giai đoạn rối ren, đặc biệt cuộc Đại suy thoái năm 2008 đã định hình tư duy bi quan và hình thành tâm lý trở ngại khiến nhóm người này ít tiếp cận với đầu tư. Trong khi đó, lớn lên ở thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động khiến Gen Z có ý thức về đầu tư hơn. Nghiên cứu của nền tảng tài chính SingSaver vào tháng 9/2020 tại Singapore cho thấy, 85% người được hỏi thuộc Gen Z bắt đầu tiết kiệm tiền trước 22 tuổi, nhiều hơn gấp đôi so với thế hệ Millennials (chỉ 41%).

CEO Prashan Aggarwal chia sẻ trên Straits Times rằng, điều kiện sống có đầy đủ công nghệ hiện đại giúp thế hệ này dễ dàng tiếp cận các thông tin tài chính, cách thức và công cụ đầu tư. Trong đó, nhóm nhà đầu tư trẻ thường thích rót tiền vào cổ phiếu và trái phiếu bởi hai kênh này có thể tham gia với số vốn nhỏ, lãi suất đều đặn và tốt hơn so với nhiều sản phẩm tiết kiệm.

Tất Đạt


Giày Đại Phát solution
Số người online:
54953
Số người truy cập:
8575153