Ông Josef Stadler - lãnh đạo của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS cho biết họ cũng mua cổ phiếu của các công ty khai khoáng và các quỹ hỗ trợ đầu tư chứng khoán (ETFs). Nhà đầu tư đang rút dần tài sản của mình ra khỏi thị trường tài chính. Ông Josef Stadler nói: “Chúng tôi từng chứng kiến một số người mua hơn một tấn vàng và mang chúng đến một nơi khác”. Gần đây, một khách hàng cá nhân giàu có của ngân hàng UBS, Thụy Sĩ đã mua hơn một tấn vàng. Với mức giá đóng cửa thứ sáu tuần trước, một tấn vàng tương đương với 42 triệu USD. UBS cũng tiết lộ thêm rằng hiện nay, các khách hàng cá nhân nắm giữ từ 7 đến 10% kho kim loại quý của họ. Với tâm trạng lo lắng về sự mất giá của đồng tiền và đà phục hồi kinh tế không ổn định, các đại gia đang âm thầm ngày đêm đi mua vàng vật chất, bao gồm vàng miếng và đồng xu để tích trữ trong các két sắt. "Họ không còn muốn giao dịch vàng tương lai hay tham gia các quỹ đầu tư, mà mua hẳn vàng thật", Stadler, người phụ trách các nhà đầu tư trên 50 triệu USD của UBS nói với Wall Street Journal. Trong một một năm vừa qua, nhu cầu đầu tư trong các quỹ vàng vật chất do ngân hàng tư nhân Pictet, Thụy Sĩ quản lý tăng gấp 5 lần. Những chuyên gia theo dõi thị trường châu Á cho biết giới nhà giàu ở đây cũng chuyển một phần tài sản thành vàng. Giá vàng được đẩy lên cao do những lo ngại về sự xuống dốc của nền kinh tế Mỹ. Thường thì vàng được coi là công cụ an toàn chống lại lạm phát, nhưng giá vàng vẫn đang tăng mà chẳng có tín hiệu nào là sẽ xảy ra lạm phát cả. Trong một nghiên cứu mới đây, nhà kinh tế học Avery Shenfeld của CIBC World Markets cho biết: “Có quá nhiều mối quan hệ truyền thống với giá vàng đã sụp đổ đến mức thật khó có thể hiểu nổi cái gì đang làm thứ kim loại này tăng giá như vậy. Vàng đang lên cơn sốt và chúng ta phải nâng mức dự đoán năm 2011 lên mức 1.400 USD”. Ông Shenfeld nói người ta từng lo ngại sau sự tăng giá vàng sẽ là lạm phát, vì một số nghiên cứu đã cho thấy thời kì thịnh vượng của giá vàng cũng chính là thời kì giảm phát, và “Thật khó để hiểu nổi tại sao vàng có thể tăng giá khi mà nước Mỹ đang có nguy cơ lạm phát, chỉ số CPI thì đứng yên, và việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở mức đáy cũng có nghĩa rằng những người tham gia thị trường trái phiếu sẽ phải dựa vào việc lạm phát thấp vĩnh viễn”. Ông cũng cảnh báo: “Có lẽ quy tắc vàng mới nhất chính là cứ mua vàng dù muốn hay không, vì ai cũng làm thế cả. Nếu đó là logic thực tế duy nhất, thì việc rủi ro vàng biến thành bong bóng sẽ làm nổ tung tất cả”. Chưa nói đến việc tích trữ vàng vật chất có phải là một cách đầu tư khôn ngoan hay không, việc những người giàu đang chạy đua tích trữ vàng cũng ảnh hưởng ít nhiều lên nền kinh tế. Hàng thập kỷ nay, hầu hết tiền đầu tư của các triệu phú đôla Mỹ đi thẳng vào thị trường chứng khoán, trái phiếu và dù kết quả như thế nào, những đồng tiền này cũng đã giúp tạo nguồn vốn trên Phố Wall và bơm tiền cho các công ty và cả Chính phủ. Còn vàng thì không đem lại ích lợi gì, chỉ nằm im lìm trong két sắt. Nó không bơm vốn cho nền kinh tế, cũng không giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng hay tạo ra việc làm (ngoại trừ việc có lợi cho vài công ty sản xuất két sắt và in đồng xu). Mới đây, nhà đầu tư tài chính George Soros đã nhắc lại một nhận xét của tỷ phú thông thái Warren Buffett rằng giá vàng đích thực là một bong bóng khổng lồ, vì người ta chỉ tốn tiền ở mỗi công đoạn đào nó lên khỏi mặt đất và những giá trị còn lại toàn do thị trường gán vào. Mặc dù vậy, chính bản thân ông, người điều hành quỹ đầu cơ Soros Fund Management cũng mạnh tay đầu tư vàng và đổ tiền vào các công ty khai thác, với niềm tin rằng giá sẽ còn tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, ông cho biết gọi giá vàng là một bong bóng có nghĩa là nó không an toàn và sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Thanh Bình - Hà Thu
Đại gia thế giới tích trữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản, dù vậy, phương thức đầu tư này hầu như không đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế. Ảnh: Buena Vista Pictures