Gian lận điểm thi: Tiêu cực phát sinh do phần mềm chấm thi sơ hở!

 Hà Giang "phù phép" nâng điểm cho 114 thí sinh. Sai phạm ở Sơn La thậm chí còn nghiêm trọng hơn, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trực tiếp liên quan đến tiêu cực. Ảnh thí sinh trên bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh để xuất ra dữ liệu gửi về bộ chấm bài là hoàn toàn giống nhau.

Không có phách, dễ dàng tìm bài thi

TS Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng việc gian lận trong thi cử xưa nay bao giờ cũng có nhưng thường là theo nhóm nhỏ và có tính chất "nâng" vài điểm cho đủ. Nhưng từ khi có sự can thiệp của công nghệ thì gian lận mới có thể đạt đến quy mô "công nghiệp" về số lượng và nhảy vọt về "chất lượng", từ thủ khoa xuống trượt tốt nghiệp. Chính máy chấm thi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Công nghệ giúp tăng năng suất lao động hàng trăm lần nhưng cũng gây hậu quả từ một sai lầm dù rất nhỏ theo cấp số nhân.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT, cho hay tờ phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của một thí sinh cụ thể. "Đây là lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác" - TS Ngọc nói. Theo ông, phiếu trả lời trắc nghiệm và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường ĐH tổ chức thi vì họ không dính đến con cháu nào cả. Nếu có cũng hiếm khi xảy ra. Còn thi tại địa phương, quy trình đó chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò.

Về lỗ hổng này, TS Nguyễn Thành Nam ví von: "Nếu bạn được phân công sử dụng máy chấm thi, thấy phần mềm hở ra một cái file lồ lộ, có tên con hoặc người nhà của mình. Lúc ấy bạn muốn chấm thế nào? Tương lai của con (cháu) bạn ở cả đây. Một lần, 2 lần, 100 lần, bạn có bị cám dỗ? Ngay ở những quốc gia rất văn minh, họ cũng khuyến cáo khi rời xe hơi, nên cất đồ vào cốp xe, đừng để trên ghế trước, gợi lòng tham của kẻ qua đường" - TS Nam nói.

Phần mềm nhiều lỗi

Quy trình chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT thực hiện theo 4 bước. Bước 1: Quét bài trắc nghiệm, bài thi được đưa vào máy quét và các ảnh quét sẽ tự động chuyển vào phần mềm chấm. Dữ liệu ảnh quét được ghi thành 2 CD, 1 chuyển về Bộ GD-ĐT, 1 chuyển cho chủ tịch hội đồng chấm thi. Hai CD dữ liệu này cũng được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an. Bước 2: Chuyển dữ liệu sang file text và phân tích kết quả quét. Phần mềm chấm sẽ chuyển dữ liệu từ ảnh quét được sang file text ghi các đáp án mà thí sinh đã chọn. Bước 3: Soát lỗi, nếu phát hiện lỗi thì phải lập biên bản và lưu kết quả sửa lỗi. Việc này được thực hiện dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát. Bước 4, đưa ra kết quả. Sau khi thực hiện xong các bước trên, hội đồng thi mới được sử dụng đáp án để chấm điểm.

Lợi dụng kẽ hở bảo mật của quy trình này (từ file ảnh chuyển thành file text và có thể chỉnh sửa kết quả trên phần mềm), ông Vũ Trọng Lương đã tải toàn bộ đáp án về, xử lý sang file Excel, lưu vào máy, sau đó copy file đáp án của bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh. Sau khi điều chỉnh kết quả của thí sinh trên file Excel, ông Lương tiếp tục sửa bài thi trắc nghiệm. Mỗi bài thi chỉnh sửa chỉ mất khoảng 6 giây.

Gian lận điểm thi: Tiêu cực phát sinh do phần mềm chấm thi sơ hở! - Ảnh 1.

Những thí sinh có điểm cao bất thường tại Sơn La. Rất nhiều trong số này là thí sinh tự do hoặc chỉ có học lực khá

Tương tự, các cán bộ của Sơn La đã tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu phiếu trả lời trắc nghiệm bị sửa, bởi file ảnh quét lưu lại kết quả chấm đang phù hợp phiếu trả lời trắc nghiệm.

Theo đánh giá của một chuyên gia công nghệ, phần mềm chấm thi từ năm 2015 trở về trước không thể chỉnh sửa một bài thi được quét. Nó chỉ có thể chỉnh sửa một câu trong tổng số 50 câu nếu câu đó thí sinh tô mờ hoặc tô 2 đáp án. "Phần mềm mà sao chép được cả chuỗi text đè lên bài làm của thí sinh thì rõ ràng có lỗ hổng bảo mật. Nếu phần mềm chặt chẽ, việc sửa điểm cho một thí sinh 3-4 môn là cực kỳ khó khăn. Phải bóc nhiều túi, tìm từng bài sửa nên không dễ dàng làm số lượng lớn. May ra chỉ có thể tiêu cực trên một bài thi mà thôi" - chuyên gia này cho hay.

Tại sao vẫn được sử dụng?

 

GS Ngô Bảo Châu đã đặt câu hỏi trên trang Facebook cá nhân rằng trong quy trình xử lý bài thi và chấm điểm, tại sao ở một công đoạn trung gian, thông tin lại được lưu trong một file không mã hóa, để ai đó có thể vào can thiệp trực tiếp? Cũng chung nỗi băn khoăn này, TS Nguyễn Thành Nam đặt câu hỏi ai đã thiết kế phần mềm chấm thi, để file trung gian dưới dạng text mà ai cũng sửa được? Ai ra đầu bài, nghiệm thu, trả tiền, đưa vào dùng một phần mềm có lỗi như vậy? Theo đánh giá của một chuyên gia, nguồn gốc của tiêu cực thi cử gây rúng động năm nay bắt nguồn từ lòng tham nhưng tiếp tay đắc lực để người ta thực hiện được lòng tham ấy chính là lỗ hổng của phần mềm chấm thi. "Vũ Trọng Lương đã bị khởi tố nhưng chúng ta cũng cần nhắc đến trách nhiệm của người đặt hàng phần mềm cũng như kinh nghiệm, trình độ của công ty viết phần mềm này".

Thêm một câu hỏi được đặt ra, vì sao Bộ GD-ĐT có thể nghiệm thu một phần mềm nhiều lỗ hổng như vậy? Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Báo Người Lao Động, phần mềm này dù đã dùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2 năm nay nhưng chưa được nghiệm thu, dù kinh phí để viết không hề nhỏ.

Phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ GD-ĐT, đề nghị cho biết đơn vị nào đã đặt hàng viết phần mềm này và liệu Bộ GD-ĐT đã nghiệm thu cũng như phát hiện các lỗi của phần mềm chấm thi trắc nghiệm nhưng đến cuối chiều 23-7 vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Các trường ĐH nên kiểm tra đầu vào

Hệ lụy từ phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn nhiều lỗi là tiêu cực thi cử có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào. Liệu có nên tiếp tục kỳ thi "2 trong 1" hay không? Ông Mai Văn Trinh khẳng định từ sự cố Hà Giang và Sơn La lần này, chắc chắn bộ phải có những điều chỉnh cụ thể trong quy chế thi để giảm thiểu tiêu cực. "Không thể vì sai phạm mà chùn chân đổi mới. Quan trọng là từ sai phạm, phải thấy rõ những bài học để tiếp tục hoàn thiện" - ông Mai Văn Trinh nói.

Trả lời những băn khoăn về việc có nên tổ chức thi lại ở những nơi có điểm cao bất thường để bảo đảm công bằng cho thí sinh khi xét tuyển ĐH, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc tổ chức thi lại ở những khu vực nghi vấn là không được phép và nếu có, làm sẽ rất tốn kém... Theo ông Vinh, để đối phó với việc "chạy" điểm cao để vào các trường ĐH, các trường ĐH với quyền tự chủ của mình hoàn toàn có thể cho các thí sinh trúng tuyển thi kiểm tra đầu vào...

"Nguyên liệu đầu vào bị lỗi thì khó cho ra sản phẩm tốt và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của trường ĐH" - ông Vinh nói.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
43733
Số người truy cập:
7667484