Chốt phiên giao dịch 21/12, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay giảm hơn 2 USD xuống 1.789 USD. "Chứng khoán Mỹ tăng trở lại, cùng lúc với đồng đôla và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đã gây sức ép lên vàng", Phillip Streible – chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures nhận định.
Giá vàng thế giới liên tiếp đi xuống vài phiên qua.
Chỉ số DJIA hôm qua tăng 1,6% lên 35.492 điểm, chủ yếu nhờ cổ phiếu Nike và Boeing. S&P 500 tăng gần 1,8% lên 4.649 điểm, với toàn bộ 11 nhóm ngành đi lên. Nasdaq Composite chốt phiên tại 15.341 điểm, tăng 2,4%.
Streible cho rằng "mọi người đang mua vào ở bất kỳ đáy nào họ có thể mua", do lo lắng bất ổn, trong đó có tác động kinh tế từ Covid-19. Vì thế, 1.800 USD vẫn là ngưỡng cản quan trọng với vàng, Streible cho biết.
Đồng đôla đã hồi phục phần nào sau khi mất giá hôm qua. Tâm lý rủi ro cũng hồi phục sau phiên bán tháo của chứng khoán toàn cầu trước đó.
"Kim loại quý vẫn có thể ghi nhận các đợt mua mới trong năm 2022, nếu lạm phát cao kéo dài và lợi suất danh nghĩa vẫn chịu sức ép", Han Tan – nhà phân tích thị trường tại Exinity nhận định.
Vàng được coi là công cụ phòng trừ lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất tăng sẽ kiềm chế lạm phát, đồng thời giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Jeffrey Halley – nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho rằng vàng hiện thiếu đà để bứt khỏi vùng giá hiện tại.
Hà Thu (theo Kitco, Reuters)