Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho biết, cung cầu ngoại tệ mất cân đối có nguồn gốc từ thâm hụt cán cân thương mại, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Theo ông, từ nay cho đến tháng 6, doanh nghiệp phải thanh toán một khoản tín dụng lớn để nhập khẩu. Hơn nữa còn có yếu tố đầu cơ do lo ngại tình hình kinh tế biến động đã khiến nhiều người thu gom, chuyển sang tích trữ vàng, đôla như những ngày qua.
Diễn biến này, theo nhận xét của ông Doanh, là phù hợp với quy luật cung cầu của nền kinh tế. Do nhập siêu, thị trường thiếu ngoại tệ nên mới có hiện tượng này.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử, người dân lo ngại tiền đồng mất giá trước tình hình lạm phát nên đã chuyển sang kênh đầu tư "truyền thống" là vàng và USD. "Tình hình này có thể kéo dài đến hết năm nay do tâm lý người dân lo ngại", ông này nhận định.Không loại trừ nguyên nhân đầu cơ đôla, một chuyên gia kinh tế khác tại TP HCM cũng nhận định, tình hình nhập siêu ở mức cao đã khiến đồng đôla tăng giá. Hiện lượng ngoại tệ Việt Nam chi cho hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 30 tỷ USD. Vì nhập khẩu phải có USD để trả khách hàng, doanh nghiệp quay sang ngân hàng vay USD để thanh toán cho đối tác.
Ông nói: "Như vậy, nhu cầu cao với đồng đôla hiện tại là có thật". Tuy nhiên ông những cho rằng những biến động USD/VND hai ngày nay là khá bất thường khi giá bán ra từ 16.700 đồng, có thời điểm đội lên 17.500 đồng rồi đột ngột giảm xuống.
Nhiều doanh nghiệp cần đôla để nhập nguyên phụ liệu sản xuất. Ảnh: Hồng Phúc |
Trong khi đó việc mua bán USD qua ngân hàng đối với doanh nghiệp cũng không dễ dàng gì.
Trong những ngày qua, tại các ngân hàng, giá đô bán ra ghi trên hợp đồng khoảng 16.000 đồng một đôla nhưng doanh nghiệp phải mua theo giá thị trường, cao hơn đến 1.400 đồng một USD.
Tại một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh ở quận 3, nhân viên quầy giao dịch cho biết giá USD tại đây đang ở mức bán ra 16.221 đồng một USD. Tuy nhiên, đó chỉ là giá ghi trên hợp đồng, các doanh nghiệp muốn mua loại ngoại tệ này phải chịu giá 17.600 đồng/USD.
Chuyên viên thanh toán quốc tế của một nhà băng ở quận 1, TP HCM, cho biết thêm, muốn mua USD tại các ngân hàng hiện nay, doanh nghiệp phải nêu rõ mục đích sử dụng để ngân hàng xem xét. Hiện nay, ngân hàng chỉ xét bán cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có cần đồng tiền này để thanh toán, giải quyết các hợp đồng với đối tác.
Ông Lê Công Thắng, giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Tín Đạt cho biết, giá đôla tăng đã tác động tốt đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thu ngoại tệ về. Công ty này vừa qua cũng đã được lợi không nhỏ nhờ xuất khẩu từ tình hình đôla tăng giá.
"Nhưng sắp tới công ty phải nhập mới một loạt thiết bị máy móc để mở rộng nhà xưởng. Nguyên vật liệu, phụ liệu đầu vào để sản xuất hầu hết phải nhập từ nước ngoài lúc này cũng đã gần đến kỳ phải thanh toán cho các công ty cung cấp. Vì vậy, giá đôla mà tăng cao nữa thì đúng là lợi bất cập hại", ông Thắng lo lắng.
Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ may mặc Đạt Minh Thịnh, ông Nguyễn Văn Dậu cho biết: Trước mắt, để giải quyết khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc đã tính toán giảm thiểu đến mức thấp nhất việc sử dụng nguyên vật liệu đầu vào sản xuất nhập từ nước ngoài.
Theo ông Dậu, nhiều doanh nghiệp trước đây sử dụng đến hơn 80% nguyên phụ liệu ngoại nhập để sản xuất. Nhưng trong tình hình giá đôla biến động như hiện nay, doanh nghiệp đã tính toán lại, tìm kiếm những sản phẩm trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng để thay thế. Như vậy mới mong giảm được ảnh hưởng từ tỷ giá đồng đôla.
Theo VnExpress