Giá đôla tại ngân hàng tiếp tục tăng

Giám đốc Thu Hà kể lại, khi đến một nhà băng khác, mức giá "hữu nghị" hơn được đưa ra là 18.600-18.700. Đến đầu giờ chiều nay, một vài nhà băng đã chào giá 19.200.

Hàng của công ty chị Hà cập cảng Hải Phòng từ gần một tháng nay, xong chưa thể thông quan, do chưa mua được đôla để thanh toán cho đối tác nước ngoài. Sau một thời gian chờ đợi, chị đã tính đến việc phải chấp nhận đôla giá cao tại các ngân hàng để nhập hàng về.

Một công ty ở quận 1, TP HCM cho biết, tuần trước, ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá, các doanh nghiệp nhập khẩu đã phải mua USD với giá 18.500 đồng. Lý do ngân hàng đưa ra là không đủ ngoại tệ phải đi mua ở thị trường tự do hoặc sử dụng các nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ.

Chủ một doanh nghiệp nhập khẩu khác kể lại quá trình chạy mua đôla. Ngày 5/6, anh đến gõ cửa ngân hàng quen đề nghị mua 30.000 USD để thanh toán quốc tế. Nơi đây trả lời là lượng dự trữ ngoại tệ không có đủ, nếu cần ngân hàng sẽ mua hộ với tỷ giá 17.700. Lúc đó, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng là 16.260 và trên thị trường tự do là 17.300 đồng.


Giá đôla tăng cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn.
Ảnh: Hoàng Hà

Đến 13/6, sau 3 ngày Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá liên ngân hàng lên 16.648, doanh nghiệp cần mở thủ tục nhập khẩu hàng với số tiền 20.000 USD, gõ cửa các ngân hàng đều được thông báo giá bán là 18.000. Có ngân hàng thông báo tỷ giá 16.680, nhưng khách phải nộp thêm khoản phí huy động 1.000 VND cho mỗi USD.

Trả lời báo chí trưa nay (18/6) về chuyện doanh nghiệp phải mua đôla giá cao ở ngân hàng, thậm chí chấp nhận giá cao cũng không có mà mua, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank không trực tiếp xác nhận ở ngân hàng của mình có xảy ra chuyện như vậy. "Mình là một bộ phận của thị trường, vì vậy cũng phải chịu sự chi phối của thị trường. Tỷ giá ngoại tệ hiện nay đúng là chưa phù hợp", ông Bình nói.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, nếu giao dịch đúng với mức giá niêm yết sẽ ít người bán cho ngân hàng. "Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn biên độ giao dịch với đồng đôla Mỹ, chứ không khống chế với các ngoại tệ khác", ông Bình nói.

Thực tế, hiện các ngân hàng có thể linh hoạt hoán đổi các ngoại tệ khác nhau để bán cho khách hàng với tỷ giá sát với cung cầu mà không bị vướng bởi biên độ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khi mua lại nguồn ngoại tệ từ khách hàng, ngân hàng cũng phải áp dụng "chiêu" này để có mức giá mà khách hàng chấp nhận được.

Chủ tịch Vietcombank cũng cho biết, hiện tại, ngân hàng này đang cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt hướng vào các khách hàng quan trọng thiết yếu với nền kinh tế, chẳng hạn như xăng dầu.

Báo cáo của Vietcombank cho hay, trong 5 tháng đầu năm, tổng doanh số mua bán ngoại tệ của nhà băng này đạt gần 32 tỷ USD, tăng 116,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số mua vào đạt 16,2 tỷ USD, tăng 116,5% và doanh số bán ra đạt 15,7 tỷ USD, tăng 116,2%.

Riêng lượng ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu xăng dầu là 1,058 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn đôla của Vietcombank chủ yếu từ doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cùng thời gian này, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đạt 23,39 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị nhập khẩu tăng 67%, lên mức 37,8 tỷ USD.

"Vietcombank cũng chỉ là một bộ phận của thị trường, không thể bao trùm cả thị trường, Vì vậy, chúng tôi hướng ưu tiên vào những doanh nghiệp nào quan trọng nhất, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp. Còn để đảm bảo đáp ứng đủ, cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và ngân hàng", ông Bình nói.

Trả lời câu hỏi về phương án nới biên độ tỷ giá để tiến gần với thị trường, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tỷ giá cũng cần điều chỉnh song cần ở mức hợp lý, bởi nếu lớn quá, sẽ là không có lợi. "Cũng cần nhìn nhận là kinh tế đang khó khăn, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cần có cách nhìn nhận và hành xử sao cho đỡ gây tổn thương tới nền kinh tế", Chủ tịch Vietcombank nói.

Trong bối cảnh giá đôla tiếp tục tăng, mỗi doanh nghiệp đành chọn hướng khắc phục riêng. Anh Bùi Xuân Hùng, quản lý tại một công ty nhập khẩu linh kiện máy tính, cho biết, công ty anh phải chấp nhận mua đôla giá cao để thanh toán, rồi đàm phán với đối tác để được hỗ trợ một phần. Khi nhập hàng về, doanh nghiệp phải mua đôla với giá trên 18.000, song khi bán hàng trong nước, tỷ giá quy đổi cao nhất lại là 16.600. Vì thế, hiện một số doanh nghiệp nhỏ trong ngành đã tạm ngừng nhập hàng.

Riêng với trường hợp công ty của chị Thu Hà, tình hình có phần khả quan hơn. Một bạn hàng xuất khẩu đang nợ công ty chị và cũng đang nắm đôla chờ giá cao hơn mới bán cho ngân hàng. Vì thế, chị đàm phán được với công ty này quy đổi công nợ sang đôla theo tỷ giá thỏa thuận 18.000, thấp hơn hẳn so với giá các ngân hàng áp dụng.

Do là khách hàng quen, công ty chị cũng được ngân hàng đang lưu giữ bộ chứng từ linh hoạt giải quyết các thủ tục. Vị nữ giám đốc này cho hay, hiện lượng hàng nằm ở cảng đã được giải quyết, song với những lần nhập hàng sau, chị sẽ phải rất cân nhắc do giá đôla lên cao.

Chị Thu Hà cũng cho rằng, tình trạng đôla tại các ngân hàng tăng giá cao hơn giá niêm yết gây khó khăn cho doanh nghiệp, song lại là cơ hội làm lợi cho yếu tố đầu cơ. "Tôi nghĩ việc quản lý ngoại hối nên làm sao ngăn chặn được yếu tố đầu cơ và tránh để doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá", chị Hà nói.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
71266
Số người truy cập:
8594199