Đây là quy định mới trong Luật Nhà ở mà Bộ Xây dựng và Tư pháp mới đề nghị Thủ tướng cho phép trình Quốc hội sửa đổi để tạo điều kiện cho thêm nhiều người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà trong nước.
Theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ chia Việt kiều thành 3 nhóm được mua nhà, nhóm thứ nhất gồm những người còn quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp là người gốc Việt, nhưng không còn quốc tịch, và thuộc một trong các diện - về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; đã kết hôn với người Việt Nam sống trong nước; người có công với đất nước, hoặc có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội - Việt kiều sẽ có quyền sở hữu nhà như người sống trong nước.
Cả hai nhóm đối tượng trên được phép mua số lượng nhà theo mong muốn.
Nhóm thứ ba là những người gốc Việt không thuộc các diện như trên, nhưng được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp giấy miễn thị thực, thì được sở hữu một căn nhà.
Theo ước tính của ban soạn thảo, trong 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, sẽ có gần 2 triệu người đủ điều kiện mua nhà trong nước nếu Luật Nhà ở được sửa đổi theo hướng này. Tuy nhiên, một thành viên ban soạn thảo cho rằng, trước mắt, số lượng Việt kiều có nhu cầu mua nhà vào khoảng vài chục nghìn người.
Theo quy định hiện hành, Việt kiều muốn mua nhà trong nước cần được xác nhận là người gốc Việt Nam, và là một trong 4 đối tượng, gồm người đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam.
Nếu không thuộc 4 nhóm trên, họ cần cư trú tại Việt Nam trong 6 tháng/năm trở lên. Nay với nhóm này, Việt kiều chỉ cần có giấy miễn thị thực. Các quy định cũng chưa nói rõ các loại giấy tờ cần thiết để chứng minh nguồn gốc Việt Nam và thuộc nhóm đối tượng nào, nên khó khăn cho người muốn mua nhà.
Tính đến nay, số lượng Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam vẫn rất hạn chế, trong đó ở TP HCM có không quá 100 trường hợp, trong khi tại Hà Nội hàng năm nay không nhận được hồ sơ. Các trung tâm môi giới nhà đất cho hay, thực tế khá nhiều Việt kiều đã mua nhà, nhưng đều nhờ người thân ở trong nước đứng tên, vì các thủ tục thường mất thời gian.
Theo Bộ Xây dựng, quy định mới mở rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là những người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. Cũng theo cơ quan quản lý xây dựng và nhà ở, quy định này tạo thêm sự bình đẳng về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam giữa công dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Công an. Các cơ quan cũng đều đồng ý với hướng sửa đổi này.
Theo VnExpress