Ngày 8/12, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết nơi này được ngành y tế phân công là tuyến cuối tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng từ cụm địa bàn TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh và quận 4. Nhu cầu chuyển bệnh nặng lên tầng 3 tại của cụm gần đây đang tăng, với ít nhất 30-35 bệnh nhân mỗi ngày.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, hình thành từ việc chuyển đổi công năng thần tốc từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, hoạt động từ giữa tháng 7. Nơi này từng bước mở rộng quy mô lên khoảng 700 giường bệnh, chuyên tiếp nhận F0 nặng, nguy kịch, với sự hỗ trợ nhân lực từ hơn 20 bệnh viện cả nước. Khi tình hình dịch tại thành phố tạm lắng, lực lượng y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc chi viện rút về, bệnh viện thu hẹp công năng còn khoảng 150 giường bệnh từ đầu tháng 11.
Theo bác sĩ Linh, trước thực tế lượng bệnh nhân nặng gia tăng khi F0 tăng trong giai đoạn thành phố mở cửa, nơi này bắt buộc phải đưa vào hoạt động trở lại khoa ICU 2B. Sở Y tế TP HCM vừa điều động 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng của Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Ung bướu đến chi viện, bên cạnh đội ngũ nhân lực tại chỗ, chủ yếu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhân dân 115. Nơi này đang có quy mô khoảng 200 giường nhưng lượng bệnh hôm nay đã lên đến 215.
"Trang thiết bị máy móc đã sẵn có từ trước. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực", bác sĩ Linh nói. Hiện, đội ngũ nhân viên y tế của TP HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ như chi viện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tăng cường cho các tuyến y tế cơ sở...
Bác sĩ Linh cho biết đang đề xuất Sở Y tế TP HCM tăng cường lực lượng để trong một tuần nữa, nơi này có thể nâng lên ít nhất là 300 giường bệnh và dự kiến thời gian tới sẽ là con số 500 giường bệnh. "Lúc đó, bệnh viện mới có thể đảm bảo tiếp nhận người bệnh vào đúng tầng điều trị, qua đó giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19, giúp người bệnh tiếp cận hệ thống y tế chu đáo", bác sĩ Linh cho hay.
Bệnh viện dự kiến trộn nhân lực, triển khai đào tạo cuốn chiếu trong từng giai đoạn. Ngoài ra, nơi này sẽ huy động học viên, lực lượng tôn giáo tình nguyện, thanh niên xung phong...
Trong bối cảnh thành phố bao phủ vaccine như hiện nay, bệnh nhân nhập viện đa số 70-80 tuổi, người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, ung thư, mạch vành... Theo bác sĩ Phạm Minh Huy, trước đây bệnh nhân trẻ tuổi có thể tự sinh hoạt, ăn uống, đi lại, giờ bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền nên nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều hơn.
Bác sĩ điều trị, chăm sóc F0 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần
TP HCM gần đây ghi nhận số ca mắc mới, F0 nặng nhập viện, tử vong có xu hướng tăng. Thành phố đang tăng cường nhiều biện pháp, tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền để xét nghiệm, tiêm vaccine, kịp thời chăm sóc và điều trị, nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Thành phố cũng triển khai tiêm vaccine mũi 3 nhằm tăng cường miễn dịch, dự kiến từ ngày 10/12.
Bên cạnh duy trì các bệnh viện dã chiến, phân cụm các cơ sở tuyến cuối để điều phối người bệnh nặng, Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả bệnh viện phải lập khu điều trị Covid-19. Ngành y tế cũng đang hỗ trợ các địa phương tăng cường hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc F0 tại nhà.
Lê Phương