Ra rạp sau hơn một năm hoãn vì dịch, Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) là một trong những dự án điện ảnh được mong chờ nhất năm. Với kinh phí công bố 50 tỷ đồng, tác phẩm quy tụ dàn diễn viên hùng hậu nhiều thế hệ, từ Trần Lực - vai Trịnh Công Sơn thời trung niên - đến Avin Lu (nhạc sĩ thời trẻ) và các người tình từng đi qua đời ông. Phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản với thời lượng khác nhau. Tác phẩm dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ thập niên 1950-1990. Trịnh Công Sơn dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ với những mối tình thanh xuân.
Phim mang lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ, bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc.
Tác phẩm là phim Việt hiếm hoi gần đây vượt trội về hình ảnh nhờ đầu tư kỹ lưỡng. Chọn khung hình 4:3, phim tái hiện đa dạng, sống động về không gian, bối cảnh, trải dài từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn. Đầu phim, từ góc nhìn của Michiko, TP HCM của đầu thập niên 1990 được khắc họa qua bóng dáng Nhà hát thành phố, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bên bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập... Ngược về những năm 1960, gác Trịnh, cầu Tràng Tiền... đậm màu sắc hoài niệm.
Ở giai đoạn nhạc sĩ lên Đà Lạt và gặp gỡ Khánh Ly, quán cà phê Tùng được phục dựng chăm chút, từ khung cửa sổ đến bảng hiệu, biển giao thông. Thời gian ông dạy học ở B'lao (Lâm Đồng), cảnh trường học mái lá đơn sơ giữa núi đồi được nhấn nhá bằng những cú đại cảnh. Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ, từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian.
Khung cảnh góp phần dẫn dắt người xem vào cung bậc cảm xúc mượt mà của chuyện tình chàng Trịnh và những Diễm Xưa, Dao Ánh. Lối xử lý hình ảnh của đạo diễn có lúc bám sát ca từ nhạc Trịnh, như cảnh nhạc sĩ rút vội giấy gói thuốc lá để sáng tác Diễm xưa giữa cảnh "mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ". Những cú máy quay chậm đặc tả "đường phượng bay mù không lối vào", hoặc chuyển hóa được hình dung "màu nắng hay là màu mắt em" khi quay cận gương mặt Dao Ánh.
Âm nhạc - qua bàn tay Đức Trí - trở thành linh hồn của tác phẩm. Gần 40 ca khúc Trịnh tiêu biểu được chọn lọc để gợi lại từng chặng đường của nhạc sĩ. Âm nhạc lúc được vang lên trực tiếp qua tiếng hát diễn viên, khi văng vẳng từ những đĩa than, đài radio. Qua chất giọng Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Nhật Linh (vai Thanh Thúy), Avin Lu, thời hoa niên của Trịnh Công Sơn được chắp cánh bay bổng. Những bài phối chú trọng ở tính thô mộc để truyền tải tinh thần âm nhạc thời đại, như Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Ướt mi...
Có lúc, những đoạn nhạc không lời vang lên như một hàm ý. Như cảnh Khánh Ly trò chuyện với Trịnh Công Sơn sau hàng chục năm xa cách, bài Em còn nhớ hay em đã quên chậm rãi, gợi về một dĩ vãng xa xôi. Khi nhạc sĩ đau khổ vì một cuộc tình đã qua, giai điệu Tình xa nhẹ nhàng vỗ về nhân vật.
Về diễn xuất, tuyến "Em" - những nàng thơ của Trịnh Công Sơn - tạo ấn tượng đậm nét hơn cặp diễn viên đóng vai nhạc sĩ. Bùi Lan Hương gây ngạc nhiên khi hóa thân Khánh Ly trong lần chạm ngõ điện ảnh. Cô không cố ép mình để tái hiện một phiên bản nữ danh ca như ngoài đời mà cài cắm những nét riêng. Qua cảnh lần đầu gặp Trịnh Công Sơn, người xem hiểu thêm về một Khánh Ly bất cần, có phần khép kín thời còn là Mai "đen". Lối diễn của Lan Hương vừa tạo tiếng cười tự nhiên, vừa gợi thương cảm với nỗi niềm chất chứa của "gái hai con".
Hoàng Hà cũng là một phát hiện sáng giá của đạo diễn nhờ chọn đúng vai. Tạo hình Dao Ánh của Hoàng Hà tạo thiện cảm với nụ cười răng khểnh, vẻ ấp úng, ngại ngùng. Michiko - qua nét diễn của Nakatani Akari - trong sáng và giàu năng lượng. Diễn viên Nhật ghi dấu với một cảnh nhảy múa đậm chất nhạc kịch, gợi nhớ phân đoạn của đôi nhân vật chính trong tác phẩm La la land (2016).
Trần Lực và Avin Lu dừng ở mức tròn vai. Trịnh Công Sơn thời trẻ hiện ra thư sinh, lãng tử, có phần ngây ngô, say đắm trước những người tình. Giọng thoại đều đều, chậm rãi của Avin Lu giúp truyền tải những lá thư tình viết cho Dao Ánh, nhưng không đủ sôi nổi để làm bật lên nội tâm trong đoạn cao trào. Trần Lực vẽ nên một Trịnh Công Sơn hào hoa ở tuổi trung niên. Dù vậy, nỗi cô đơn của nhạc sĩ khi "bị âm nhạc rời bỏ" - như nhân vật thừa nhận trong phim - chưa được diễn viên khắc họa đủ sâu để tạo đồng cảm.
Với thời lượng 136 phút, kịch bản ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đủ kỹ, chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua sơ lược, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác, dẫu chùm ca khúc Da vàng mới là mảng đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn lên đỉnh cao đương thời.
Mai Nhật