Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng liên tục đã khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, ở 4 đợt giảm liên tiếp với mức hạ hơn 6.500 đồng một lít xăng, giá nhiều mặt hàng, trong đó có vận tải, lại chưa giảm theo.
Nói về việc này, tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/8, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, cho biết, thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải điều chỉnh theo.
"Thời gian đầu giá xăng dầu có giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Bộ đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát để kê khai giảm giá", ông nói và bày tỏ kỳ vọng khi giá xăng dầu giảm ổn định, giá cước vận tải sẽ đi xuống.
Ông Sang cũng thông tin, 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ theo tuyến cố định đã tăng giá 10-15%, cước vận tải hàng hoá tăng 7-10% nhằm bù đắp chi phí xăng dầu. Cước phí vận tải hành khách công cộng ở đô thị, nhờ trợ giá, không đổi.
Với đường sắt, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá cấu thành vận tải chiếm 21-29%, nhưng nhờ cạnh tranh trong vận tải hành khách, giá vé không tăng dù cước vận chuyển hàng hoá thêm 3-5%; đường thủy nội địa tăng khoảng 10%.
Còn hàng hải, giá cước đã giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. "Ngành này có tỷ lệ cấu thành từ giá xăng dầu lớn nhưng vừa qua các hãng tàu không tăng cước", ông Sang nói.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ. Ông yêu cầu làm rõ tại sao giá cả chưa giảm theo xăng. Ông cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Về thuế xăng dầu, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trước tác động của dịch bệnh, từ đầu 2022 đến nay, Bộ đã đề xuất giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này cũng đã được giảm hai lần trong năm nay, về mức sàn từ 11/7. Với thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, Bộ đang đề xuất giảm từ 20% về 10% còn VAT đã được báo cáo Chính phủ để cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đức Minh