Theo Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (Bộ KHĐT), tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, đặc biệt tại các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Khu vực FDI thu hút nhiều lao động. Ảnh: PV
|
Theo dự báo, năm 2018 tăng trưởng kinh tế xã hội sẽ tiếp tục được cải thiện. Khu vực công nghiệp và xây dựng được kỳ vọng sẽ có bước bứt phá khi Chính phủ có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt. Cùng đó, khu vực nông lâm và thủy sản sẽ duy trì ở mức tăng trưởng khá khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển nông nghiệp bền vững đang dần được triển khai và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, với việc tăng trưởng đồng đều trên các khu vực kinh tế lớn về phía cung cũng như thành tích 2 tháng đầu năm từ các lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư và về phía cầu, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 có thể sẽ đạt mức 6,83%.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của các DN FDI đặc biệt là Samsung, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.
Cùng đó, thị trường lao động cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. Cuộc cách mạng này vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử...
Minh Hạnh