Sáng nay (29/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, một số thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Ngân sách và đầu tư công là 2 vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận ở tổ. Ảnh: Ngọc Duy. |
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đang có khoảng trống pháp lý. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.
"Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", ông cảnh báo.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoái cho ngân sách.
Từ đó đặt câu hỏi việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách. Và đặt câu hỏi có nên thực hiện tiếp hay không? Có cần thiết phải có thể chế mới về hình thức đầu tư này hay không? Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo Quốc hội.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu tỷ trọng thu ngân sách từ thuế và phí đang giảm dần. Năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2%; năm 2018 đạt 20,7% và dự kiến năm 2019 đạt 20%. Như vậy mục tiêu tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm dần và khó đạt được mục tiêu của 5 năm 2016-2020.
Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu.
Trong 3 năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt dự toán và nghị quyết của Quốc hội. Năm 2016 đạt 84%; năm 2017 là 81,7% và năm 2018 dự kiến đạt 88,12. Trong khi đó giải ngân vốn trái phiếu của Chính phủ cũng rất thấp, trung bình chỉ trên 40%. Việc giao kế hoạch chậm và giải ngân chậm gây giảm hiệu quả đầu tư.
Ông kiến nghị phân tích nguyên nhân chậm giao kế hoạch, giải ngân chậm, xem xét lại các quy định để sửa đổi cho phù hợp tình hình hiện nay.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) quan ngại trước thực tế chủ yếu tăng thu ở địa phương là từ đất. Nếu loại bỏ yếu tố thu từ đất thì nhiều địa phương hụt thu. Trong doanh nghiệp còn thất thu thuế, chuyển giá. Nguồn thu năm 2018 và các năm trước vẫn chưa vững chắc. Cần có kế hoạch thu ở những nơi còn dư địa, cũng cần chống chuyển giá.