Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ các nội dung của đề án xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật đờn ca tài tử trình UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà Viện Âm nhạc VN, Cục Di sản Văn hóa sẽ hoàn tất hồ sơ trong tháng 3-2011.
GS-TS Trần Văn Khê phát biểu tại hội thảo
Các tham luận khoa học của 7 đại biểu đến từ: Pháp, Cộng hòa Cyprus, Đức, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã khái quát năm nội dung mà theo đánh giá của GS-TS Trần Văn Khê, thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc (UNESCO) và các đại biểu đã có cái nhìn mang tính nghiên cứu sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Bảy tham luận đều nhận định những phát hiện mới, được đối chiếu trong phạm vi âm thanh học, âm nhạc học...giữa nền âm nhạc dân gian thế giới với nét riêng biệt mà chỉ có VN mới có, đó là đờn ca tài tử. Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận có giá trị như: Âm nhạc tài tử Nam Bộ - một lối tư duy của người phương Nam (GS-TS Gisa Jaehnichen - Đức), Ứng xử xã hội và quá trình nhận thức của âm nhạc tài tử - một cái nhìn của người ngoài cuộc (TS Panicos Giorgoudes - Cộng hòa Cyprus), Quỹ đạo của đờn ca tài tử và phần mềm ứng dụng (Singapore)...
Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “VN hiện có năm di sản phi vật thể đã được công nhận. Riêng miền Nam vẫn chưa có di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nào được UNESCO ghi danh. Vì vậy, Cục Di sản văn hóa VN, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Chính phủ, đã quyết xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật đờn ca tài tử để trình UNESCO trong năm nay. Lộ trình của sự kiện này đã được triển khai rất thuận lợi mà kết quả của hội thảo cho thấy đầy tự tin và hy vọng”. Ngày 11-1, hội thảo sẽ tổng kết và trưa cùng ngày đoàn đại biểu quốc tế sẽ tham dự chương trình đờn ca tài tử tại địa đạo Củ Chi – đền Bến Dược, TPHCM.
Tin –ảnh: T.Hiệp