Đói khát bao trùm

 Sáng 26-7, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục đi sâu vào những bản làng bị thiệt hại nặng nhất ở huyện Sanamxay. Dù nước đã rút đi nhưng nhiều đoạn đường vẫn còn bị chia cắt khiến công tác cứu hộ bằng đường bộ gặp vô vàn khó khăn.

Điêu tàn

Dọc các tuyến đường vào bản, lực lượng quân đội Lào chốt chặn khắp nơi để bảo đảm an ninh, an toàn và kịp thời cứu hộ. Những quân nhân này đã có mặt ngay sau khi sự cố xảy ra. Họ làm cầu nối để các phương tiện và người cứu hộ có thể tiến vào những nơi người dân còn mắc kẹt, đồng thời khơi thông các tuyến giao thông huyết mạch, đưa người dân đến vùng an toàn.

Chúng tôi đi cùng một đoàn cứu trợ của chính phủ Lào trên 5 chiếc xe bán tải được độ gầm cao. Con đường vào bản không có một đoạn nào khô ráo, tất cả phủ toàn là bùn. Bùn đỏ lắng lại sau khi nước rút tạo một lớp rất dày, có nơi lên đến gần 1 m. Hai bên đường hoang tàn với những căn nhà trơ trọi, xiêu vẹo ngâm trong bùn lầy.

Đói khát bao trùm - Ảnh 1.

Hai em bé sống sót sau 3 ngày bị nước ngập, còn người thân đã bị nước cuốn trôi chưa rõ sống hay chết Ảnh: LÊ PHONG

Dọc hai bên lối vào sâu trong bản, mùi hôi thối nồng nặc từ xác chết động vật nằm rải rác khắp nơi. Một cán bộ đi cùng chúng tôi nói rằng ưu tiên bây giờ là cứu người, sau đó mới tính đến việc thu gom và chôn xác động vật.

Trong đoàn xe mà chúng tôi đi theo có đến 3 xe chở đầy nước dạng chai 500 ml để phát cho bà con dọc đường. Có lẽ ở đây thứ người dân cần nhất chính là nước. Bởi nguồn nước sinh hoạt của họ chủ yếu là sông, suối thì bây giờ không thể sử dụng được. Họ cũng rất đói bởi việc vận chuyển lương thực vào sâu trong bản vẫn còn khó khăn.

Bế đứa con nhỏ khoảng 2 tuổi trên tay, chị Sengoutai Xaysoulivong nói: "Đói có thể chịu được nhưng mấy hôm nay nước kéo theo bùn về cuốn trôi hết tất cả. Khát nước lắm, tội nhất là trẻ con, chúng cứ khóc, đau lòng lắm. Mấy ngày nay nhà mình ăn mì gói sống, hôm qua có nhận được hai gói xôi và thịt của chị Hà người Việt".

Người mà chị Sengoutai vừa nhắc tên là Đỗ Thị Hà, một tiểu thương người Việt đang sinh sống tại chợ huyện Sanamxay. Chị Hà cho chúng tôi biết 2 ngày nay, vợ chồng chị và những người bạn đã mổ 2 con heo, nấu 800 suất xôi thịt và nước suối rồi dùng nhiều phương tiện chuyển đến tận nhà cho người bị nạn.

Chị Hà quê Quảng Bình sang đây buôn bán đã được 7 năm. Chị nói nhiều người trong các bản bị nạn biết chị, bà con mua hàng nhiều nên quen mặt. "Khi sự cố xảy ra, tôi bàn ngay với chồng tìm cách hỗ trợ ăn uống vì đó là cách giúp họ cầm cự, đủ sức khỏe để vực dậy sau hoạn nạn. Những ngày tới, tôi vẫn tiếp tục phụ giúp với chính quyền để tiếp tế lương thực cho người dân" - chị Hà chia sẻ.

Gấp rút cứu hộ

Chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy 2 đứa trẻ lội bì bõm dưới đám bùn dày đặc cố gắng tiến đến chúng tôi để lấy nước uống. Qua người phiên dịch, chúng tôi biết người thân của các em đã bị nước cuốn trôi. Hai em may mắn sống sót nhờ bám vào được một cành cây lớn trong khi bị con nước dữ cuốn đi.

Các em đang rất đói và khát. Cầm chai nước 2 em uống một hơi gần hết, ăn ngon lành gói mì tôm sống. Ánh mắt các em vẫn còn hoảng loạn, vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, vẫn không biết vì sao nhà mình bị cuốn trôi, người thân mình đi đâu không biết. Giờ các em bơ vơ, sống nhờ sự trợ giúp của chính quyền và các đoàn từ thiện.

Đói khát bao trùm - Ảnh 2.

Xe cứu thương gấp rút tiếp cận hiện trường Ảnh: GIANG NAM

Một câu chuyện cũng kỳ diệu không kém khi trong trưa 26-7, lực lượng cứu hộ đã cứu được 4 em nhỏ khi các em đang đu bám trên một thân cây cổ thụ, nằm sâu phía hạ lưu. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, gần như cả 4 em bị lả đi vì đói và khát sau hơn 3 ngày ở trên cây. Các em nhanh chóng được đưa đến xe cứu thương chuyển lên bệnh viện huyện để chăm sóc. Theo các bác sĩ, tình hình sức khỏe của các em khá ổn, chỉ chăm sóc vài hôm là khỏe. Nhìn các em run lên vì đói, miệng khô khốc vì khát cũng đủ hiểu những ngày qua các em đã giành giật sự sống như thế nào. Nhưng các em vẫn còn may mắn hơn hàng chục người khác vẫn chưa biết sống chết ra sao.

Đại diện chính quyền huyện Sanamxay cho biết trong số hơn 100 người được xác định mất tích thì chiều hôm 25 và ngày 26 đã tìm thấy 20 người vẫn còn sống. Công tác tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục được triển khai với sự trợ giúp của Thái Lan và Trung Quốc. Việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được tăng cường nhờ 15 bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai sang. Ưu tiên lớn nhất hiện nay là trợ giúp người dân để họ ổn định tinh thần, có chỗ ăn uống, nghỉ ngơi. Công tác khắc phục hậu quả có thể kéo dài vì đây là thảm họa lần đầu tiên xảy ra tại Lào. 

 

Việt Nam giúp Lào 200.000 USD

Ngày 26-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ Lào Bounthong Chitmany sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào về những mất mát và thiệt hại nặng nề trong vụ vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện thoại trao đổi ngay với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sớm ổn định cuộc sống bình thường. Thủ tướng cho biết đã quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ Lào để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu. Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.

Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany cho biết đây là sự cố có quy mô lớn chưa từng xảy ra tại Lào, gây thiệt hại hết sức nặng nề đến đời sống người dân và việc phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Sự cố xảy ra bất ngờ đã làm 10 bản bị ngập; trong đó có 3 bản bị xóa sổ hoàn toàn; khoảng 2.000 hộ gia đình với hơn 6.000 người dân đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Theo thông tin của các cơ quan chức năng Lào, cho đến ngày 26-7, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích; 15 hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn; 26 công nhân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu để sớm về nước.

D.NGỌC

Nghi ngờ chất lượng xây dựng đập

Cùng với hoạt động cứu hộ, chính phủ Lào sẽ mở cuộc điều tra về khả năng sai sót trong quá trình xây dựng dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, dẫn đến vụ vỡ đập khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và 131 người mất tích. Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) hôm 25-7 dẫn nguồn tin Bộ Năng lượng và Khai thác mỏ Lào cho biết mực nước dâng cao do mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất gây vỡ con đập đã được hoàn thành 90%.

Trong khi đó, Tổ chức Liên đoàn phong trào môi trường Hàn Quốc cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng có thể là yếu tố góp phần khiến con đập bị vỡ. Con đập này được hoàn thành trước thời hạn dự tính hồi tháng 4-2018 và sẽ vận hành vào tháng 2-2019. Tổ chức này cũng chỉ trích cách phản ứng sự cố từ các cổ đông tham gia dự án. Phía SK Engineering, công ty Hàn Quốc tham gia dự án này, cho biết: "Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để hợp tác với chính phủ Lào hỗ trợ các nạn nhân. Chúng tôi sẽ tìm ra nguyên nhân và có hành động cần thiết nhanh chóng".

Các nhà phát triển và điều hành con đập - gồm các công ty Hàn Quốc, Thái Lan và Lào - đã cử chuyên gia đến hiện trường hôm 25-7. Bên cạnh các đội cứu hộ từ Hàn Quốc và Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam cũng cử các binh sĩ và nhân viên y tế đến hỗ trợ nỗ lực giải cứu trong khi Thái Lan viện trợ khoảng 150.000 USD cho Lào.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
57614
Số người truy cập:
7683284