Vở kịch đã tạo được ấn tượng đẹp qua sự dàn dựng hoành tráng của ê-kíp thực hiện và phần diễn xuất tinh tế của dàn diễn viên giỏi nghề.
Kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh viết về nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn được khai thác khác với nhiều kịch bản cùng đề tài. Trong câu chuyện kịch này, ông đã đi sâu vào vấn đề trị quốc, bình thiên hạ và những kế sách phát triển đất nước lâu dài của vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi. Trong đó, nổi bật là thực hiện ý chí dời đô từ Hoa Lư về Đại La, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn.
Quyết sách dời đô của Lý Thái Tổ thể hiện tài đức của ông khi quyết định một vấn đề đại sự, có tầm nhìn ngàn năm sau. Bên cạnh đó, vở diễn thể hiện sự “tinh đời” của một bậc minh quân khi ông biết trọng dụng người tài trong những việc lớn của quốc gia.
Cảnh trong vở Dời đô. Ảnh: Hoàng Kim
Kịch bản Dời đô được đánh giá là mang hơi thở thời đại, lấy chuyện xưa để bàn chuyện nay. Vở diễn quy tụ những gương mặt hàng đầu trong làng sân khấu VN hiện nay: NSND Doãn Châu, NSƯT Trọng Đài, NSƯT Quốc Trị, NSƯT Thu Quế, nghệ sĩ Ngọc Thư... Mỗi vai diễn đều có sự sáng tạo, hỗ trợ nhau qua từng tình huống kịch.
Không còn rề rà theo kiểu kịch chính luận vốn quen thuộc như trước, tiết tấu vở diễn nhanh hơn, sinh động hơn, nhất là những lớp chuyển cảnh, âm nhạc, ánh sáng và cảnh trí tạo được sự thay đổi không gian cuốn hút người xem.
Ngoài vở Dời đô, Nhà hát Kịch nói Quân đội còn có hai vở diễn khác là Bài ca Trường Sơn và Điều không thể mất.
Thanh Hiệp