Đòi bồi thường 500 triệu USD

 

Danh tính các quan chức Mỹ cụ thể trong đơn kiện là Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng; Leon Panetta, Giám đốc CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) và Jonathan Banks, Trưởng trạm CIA ở Pakistan.

 
Đối phó
 
Người nhà của nhà báo Karim Khan chết trong một cuộc tấn công  của máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 31-12-2009 tại làng Machikhel, phía Bắc tỉnh Warizistan, Pakistan.
 
Nhà hương hỏa của ông Khan trúng bom gần như tan hoang. Ba người bị giết là Asif Ipbal, em trai của Karim Khan, tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh Trường Đại học Ngôn ngữ Hiện đại quốc gia, đang dạy Anh văn tại một trường trung học; Zaenullah Khan, 18 tuổi, con trai của Karim và Khaliq Dar, một người thợ hồ, đang sửa nhà.
 
Thông tin vụ kiện được nhà báo Karim Khan và luật sư Shahzad Akbar, đại diện cho ông Khan, công khai trong một cuộc họp báo  tổ chức vào cuối tháng rồi trong một căn phòng đầy ắp phóng viên trong và ngoài nước tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở Islamabad.
 

Nhà báo Karim Khan (bên trái) và luật sư  Shahzad Akbar tại cuộc họp báo. Ảnh: AFP
 
Ngoài vụ kiện ở Mỹ, luật sư Akbar cho biết thêm ông cũng đã làm đơn yêu cầu cảnh sát Islamabad điều tra và khởi tố Jonathan Banks, người trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công nói trên, về tội giết người. Ông còn tuyên bố nếu cần sẽ đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế The Hague.
 
Việc tiết lộ danh tính trạm trưởng CIA tại Pakistan đã dẫn đến một kết cuộc có thể đoán trước: Ngày 16-12, tổng hành dinh CIA ở Washington âm thầm rút Jonathan Banks về nước. Trong đơn kiện, ông Khan có yêu cầu chính quyền Pakistan “ngăn chặn Banks xuất cảnh”, bắt giữ ông ta để xét xử nhưng xem ra yêu cầu này chẳng có nghĩa lý gì.
 
CIA giải thích sự ra đi của Jonathan Banks không liên quan đến vụ kiện mà vì lý do an ninh: Banks bị đe dọa  tính mạng. Nhưng sự thật phức tạp hơn nhiều.
 
Phơi bày bí mật Mỹ-Pakistan
 
Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong hai vụ kiện nói trên không phải là số tiền khổng lồ 500 triệu USD - bởi vụ kiện có rất ít hy vọng thắng cuộc - mà là ai đã tiết lộ danh phận của Jonathan Banks khiến ông ta phải bỏ của chạy lấy người.
 
Vụ kiện diễn trong một thời điểm hết sức nhạy cảm và phơi bày những bí mật trong quan hệ Mỹ-Pakistan, đặc biệt giữa CIA và ISI - Cơ quan Tình báo Pakistan.
 
Nói “nhạy cảm” vì tuần rồi chính quyền ông Obama đã rà soát lại chính sách của Mỹ ở Afghanistan, với kết luận chính sự hiện diện của Al-Qaeda và Taliban vùng biên giới  Afghanistan - Pakistan, nơi có nhiều bộ tộc ủng hộ Osama bin Laden hơn Chính phủ Pakistan, đã cản trở cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Do đó, phải tăng cường chiến dịch không kích ở Pakistan.
 
Muốn vậy, Mỹ phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với chính quyền Pakistan và đặc biệt với ISI là nguồn cung cấp thông tin tình báo quý giá chỉ điểm những mục tiêu không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ do  đại bản doanh CIA ở Langley, bang Virginia (Mỹ)  phối hợp với trưởng trạm CIA ở Pakistan thực hiện.
 
Tuy nhiên, những cuộc tấn công nói trên, xét theo luật pháp Pakistan và quốc tế, là bất hợp pháp bởi chính thức mà nói chính quyền Islamabad chưa bao giờ cho phép CIA hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ Pakistan.
 
 
Người được cho là Jonathan Banks. Ảnh: Pakistancyberforce
 
 
Bí mật quan hệ Mỹ - Pakistan thật ra đã từng bị phơi bày trước vụ kiện của nhà báo Karim Khan. Theo một công điện bí mật của đại sứ quán Mỹ tại Islamabad gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ trên mạng WikiLeaks hồi tháng rồi, “Thủ tướng Pakistan Yusaf Raza Gilani đã khuyến khích CIA tiếp tục không kích và cam kết rằng ông sẽ đứng mũi chịu sào trước búa rìu dư luận”.
 
Nhưng lần này thiệt hại nặng nhất là danh tính trưởng trạm CIA tại Pakistan chẳng những bị phơi bày trước công luận mà còn bị tố cáo giết người. Các phương tiện truyền thông đại chúng  của Pakistan và quốc tế - trừ nhiều tờ báo lớn của Mỹ - đều đăng tên Jonathan Banks. Sau đó, những người biểu tình chống Mỹ dùng máy bay không người lái ném bom giết thường dân vô tội cũng nêu đích danh Jonathan Banks trên biểu ngữ.
 
Ai tiết lộ, ai đe dọa?
 
Trước nay, chính quyền Mỹ không bao giờ thừa nhận có trưởng trạm CIA  ở nước ngoài như hồi thời chiến tranh lạnh.  CIA càng không muốn ai biết tên trưởng trạm. Họa hoằn lắm mới có một trường hợp ngoại lệ như trưởng trạm CIA ở Afghanistan hoạt động gần như công khai với bí danh “Con nhện”. Nhân vật này thường đi chung với Tổng thống Hamid Kazai với danh nghĩa vệ sĩ và quân sư.
 
Chuyện Jonathan Banks – có thể là tên giả - bị hăm dọa “xin tí huyết” và bị lộ tên tuổi  là một vố đau cho CIA. Vậy ai đã làm chuyện đó? Theo luật sư của Karim Khan, hai nhà báo Pakistan đã bí mật cho ông biết tên trưởng trạm CIA ở Pakistan.
 
Còn chuyện ai đe dọa thì tại Mỹ, thông qua báo đài Mỹ, CIA tuyên bố ISI  phải chịu trách nhiệm về những lời đe dọa đó. CIA cũng nói bóng gió rằng chính ISI tiết lộ thân phận bí mật của Jonathan Banks khiến tay điệp viên này hết đường sống tại Pakistan.
 
Lập tức ISI, một thế lực hùng mạnh ở Pakistan, phản bác CIA. Một quan chức  ISI,  yêu cầu giấu tên, nói với hãng tin AP rằng cáo buộc đó không có căn cứ  và mang tính “vu khống” rất có hại cho công cuộc chống khủng bố mà Mỹ và Pakistan đang “chung lưng đấu cật”.
 
Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, CIA nói họ có lý do để nghi ngờ ISI. Nhưng đây là một câu chuyện khác bắt nguồn từ vụ khủng bố ở Mumbai năm 2008.
 
Kỳ tới: ISI trả đũa CIA?
NGUYỄN CAO

Giày Đại Phát solution
Số người online:
29373
Số người truy cập:
8756223