Sáng 1/7 âm lịch, cú va quệt xe ngay ngã tư đường Thái Hà - Tây Sơn, Hà Nội đã khiến anh Huy - giám đốc một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng ở Hà Nội - linh tính những điều chẳng lành có thể xảy ra với mình trong tháng.
Cú đụng xe hôm ấy tuy không gây cho anh thiệt hại về kinh tế, chiếc Toyota Camry mới mua cũng chỉ bị xước nhẹ, thế nhưng anh lại thấy lo lo. "Mới sáng Mùng Một, chưa làm được việc gì ra hồn đã bị đụng xe. Đau nhất là cô gái sau khi xô vào mình đã không xin lỗi còn quay lại mắng: "Mù à". Thật hết chịu nổi", anh Huy kể.
Coi là gặp vận đen, anh Huy không đến cơ quan mà lái xe thẳng đến Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Anh sắm một cái lễ nhẹ đủ vàng hương, hoa quả, giấy tiền vào thắp hương và xì xụp khấn vái, cầu cho người thân sức khỏe và sự bình an. Không kỳ vọng công việc kinh doanh sẽ sôi động trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) nhưng anh vẫn cầu xin "bề trên" cho mọi việc được "xuôi chèo mát mái".
Ngay chiều hôm ấy, hai vợ chồng anh còn đi sắm một cái lễ theo đúng phong tục của Lễ Vu Lan gồm tiền vàng, quần áo, cháo, oản bụt ngũ sắc... cầu mong cho các linh hồn cô quả được siêu thoát.
Thế nhưng, vận đen cũng không tha. Từ đầu tháng đến giờ, không biết bao nhiêu chuyện xảy ra với gia đình anh, đầu tiên là cậu con trai 4 tuổi phải cấp cứu ở bệnh viện. Con khỏi ốm được 3 ngày thì đến lượt bà xã bị ngã xe. Chưa hết hoàn hồn thì ngay đầu tuần thứ hai của tháng, anh Huy phải chạy gần 200km về Thái Bình để thăm bà ngoại bị ốm nặng.
Rồi thì nhân viên trong công ty thì thay nhau nghỉ. Cô kế toán nghỉ chăm sóc con ốm vừa đi làm được ba ngày thì cậu trưởng phòng kinh doanh phải cấp cứu do ngộ độc thức ăn. "Hai tuần đầu tháng cứ quay cuồng với việc không tên, trong khi đó tình hình kinh doanh thì sa sút, hàng không bán được. Tháng mưa ngâu người ta kiêng xây cất nhà cửa, thành thử đồ vật liệu xây dựng bị ế", anh Huy than thở.
Coi là cái tháng không may mắn, sau Rằm tháng 7, anh Huy đưa cả gia đình đi nghỉ tại Hội An - Đà Nẵng, tạm quên đi gánh lo thường ngày. Trở về Hà Nội cách đây một tuần nhưng anh cũng không vội vàng bắt tay ngay vào công việc. Thay vào đó, anh chuyển sang hướng thăm hỏi bạn hàng, đối tác, chúc Tết Trung thu cho các mối làm ăn sớm hơn thường lệ.
"Còn 2 ngày nữa hết tháng cô hồn, tôi sẽ tập trung hoàn tất các công việc còn lại của năm bắt đầu từ tháng 9", anh Huy nói.
"Tháng 7 mưa ngâu, đi đâu cũng ướt áo" - dân gian bấy lâu vẫn coi đây là tháng "cô hồn" và tránh làm những công to việc lớn liên quan đến xây nhà, tậu đất, dựng vợ gả chồng... Tuy không mê tín, nhưng trao đổi với VnExpress.net, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, các cụ đã nói thì hiếm có khi sai. Anh An - Giám đốc Công ty phân phối máy tính ở Hà Nội lâu nay vẫn tự coi mình là "người ngoại đạo" không mấy tin tưởng vào chuyện bói toán. Thế nhưng, nhìn vào hoạt động kinh doanh, những sự cố mà anh gặp phải trong tháng, An kết luận: "Đúng là tháng Thất - Bát (Tháng 7 âm trùng với tháng 8 dương), được yên ổn là may".
An cho biết từ đầu tháng đến nay, mọi việc cứ như bị "ám" - chẳng ốm chẳng đau mà đầu cứ nhức như búa bổ. Máy tính thì cứ bật lên là dính đòn virus, chẳng uống rượu, cũng không ngấm hơi men thế mà đang lái xe bon bon trên đường thì đâm sầm vào đống gạch người ta xếp bên đường. "Không thiệt hại về kinh tế, cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng cả tháng qua, tôi toàn làm những việc không tên", anh An nói.
Điều anh An thấy đau đầu nhất là doanh thu bán hàng bị sụt giảm thê thảm. Cùng với chính sách hạn chế tiêu dùng, máy tính - được xếp vào diện hàng xa xỉ phẩm, thành thử công ty thực hiện khuyến mãi, giảm giá kèm theo quà tặng, hàng vẫn bán chậm. Thậm chí có doanh nghiệp đặt hàng mua liền một lúc 15 chiếc máy vi tính cho văn phòng, hàng hẹn giao ngay trong tháng 7 Âm lịch (tức tháng 8 Dương lịch). Chẳng hiểu lý do sao, công ty này "cancel" lấy lý do chưa sắp xếp được vị trí ngồi và chuyển hợp đồng mua bán sáng tháng sau.
"Mệt mỏi, công việc không mấy hiệu quả" là những câu được nhiều chủ doanh nghiệp than thở khi trao đổi với VnExpress.net. Giải pháp được nhiều sếp áp dụng trong tháng 8 là "giục tốc bất đạt - cứ túc tắc làm rồi mọi việc đâu sẽ có đó". Số khác thì tạm gác công việc sang một bên để đưa gia đình đi nghỉ ngơi. Họ tâm niệm khi đầu óc sảng khoái, minh mẫn, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Có sếp duy tâm thì năng đến chùa hơn để tìm chút bình an trong lòng. Anh Chính - Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở Hà Nội cho hay anh đi lễ chùa không hẳn vì mê tín mà anh đến đây để giải quyết khâu tinh thần. Thị trường bất động sản trầm lắng từ đầu năm và tình cảnh này càng trở nên thê thảm trong tháng "cô hồn", bất chấp sự phục hồi của thị trường chứng khoán và phí trước bạ với nhà đất giảm gần một nửa.
Gần hết tháng, công ty anh Chính ký được 3 hợp đồng mua bán nhà đất, giảm 3 lần so với hồi tháng 6, 7. Tuy nhiên, ngay cả những hợp đồng đã ký này cũng chỉ dừng lại ở khâu đặt cọc tiền rồi hẹn tháng sau giao nhà. Anh Chính cho rằng trong bối cảnh khó khăn như vậy, cách tốt nhất là đi du lịch hoặc tìm nơi yên tĩnh để thư giãn đầu óc. Đi chùa theo anh cũng là một giải pháp.
Khoảng không gian yên tĩnh nơi cửa chùa khiến anh cảm thấy thoải mái và thanh thản. "Khi vào những ngôi chùa nhìn vào những tượng phật ở trong đó mình có những cảm giác cuộc sống của mình như có người đang theo sát những bước đi, tất cả những cái đấy làm cho mình cảm giác hướng thiện”, anh nói.
Anh Chính đi chùa không chỉ cầu an cho riêng mình mà còn cho người thân và hàng chục nhân viên làm việc trong công ty. Chẳng phải Ngày rằm hay Mùng một, trước khi bắt tay vào công việc lớn, hay một thương vụ làm ăn anh đều phải sắm lễ đến cửa chùa. Anh tâm niệm: Dù anh có tài đền mấy, chăm chỉ đến mấy thì cũng chưa hẳn đảm bảo cho sự thành công. Con người còn cần phải có sự hỗ trợ của “may mắn” thì mới có phúc có lộc.
"May mắn là yếu tố cần, ai cũng cần xây dựng một đức tin, nó cũng có thể là một khoa học mà con người chưa khám phá ra mà thôi", anh nói.
Theo VnExpress