Doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng

Cả ba tháng mới "kéo" được 5 hợp đồng quảng cáo, trị giá chưa tới 1 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái, giám đốc công ty truyền thông Bùi Minh Nguyệt không khỏi lo lắng.

Lại thêm 2 vụ thầu bị bể, nguy cơ không có khả năng duy trì mức lương ổn định cho nhân viên, bà Nguyệt nghĩ ngay đến việc cắt giảm nhân công. Công ty có cả thảy 20 người, giờ được điều chỉnh còn 10 người, hầu hết là những mắt xích quan trọng trong công ty. Những người ở lại sẽ làm việc vất vả hơn vì phải kiêm nhiệm thêm công việc của những nhân viên khác, đổi lại bà quyết định tăng khoảng 10-15% lương, tùy theo vị trí.


Các hãng xe trong nước cũng cắt giảm chi phí. Ảnh: Hoàng Hà.

Vẫn chưa yên tâm, bà Nguyệt quyết định chuyển trụ sở cũ về địa điểm mới tại vị trí ít đẹp hơn với giá thuê nhà 6 triệu đồng một tháng, giảm hơn một nửa so với cũ. Đồng thời, cắt giảm tối đa các khoản chi, như tổ chức sinh nhật cho nhân viên ngay tại công ty bằng bánh sinh nhật và hoa chứ không ra nhà hàng như trước đây. Kế hoạch nghỉ mát cho anh em bị hoãn lại, các khoản nước nôi tiếp khách cũng được pha chế tại phòng chứ không gọi từ nhà hàng như thời hoạt động kinh doanh còn khấm khá. "Mỗi thứ tiết kiệm một chút, tháng qua, chúng tôi tiết kiệm được gần 20 triệu đồng tiền chi phí", bà Nguyệt khoe.

Để đối phó với tình trạng khó khăn, mới đây, tổng giám đốc một công ty thuộc hàng đại gia trong làng viễn thông cũng có công văn khẩn gửi hầu hết các phòng ban kêu gọi tiết kiệm điện, nước, chi phí văn phòng, vật tư thi công...

Sau khi lời kêu gọi của ông phát đi, phong trào tiết kiệm lan đi khắp các phòng ban. Trên quầy lễ tân, phòng thu quỹ, các loại bút bi rời được thay thế bằng chiếc bút gắn với mặt bàn để tránh bị thất lạc. Buổi chiều tầm 6h30 những nhân viên nào không có việc thật cần thiết thì đồng loạt tắt máy tính ra về, không ở lại chat chít hay chơi điện tử như trước đây. Chính sách nghỉ mát cho nhân viên về cơ bản không thay đổi nhưng các cuộc hội hè, đi chơi xa được liệt vào danh mục không khuyến khích. Để làm gương cho tinh thần tiết kiệm, ban giám đốc quyết định ngưng chương trình nghỉ mát cho các managers...

"Các dự án đầu tư cũng được tính toán một cách thận trọng và triển khai dè dặt để tránh phát sinh chi phí không cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, tự doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình", vị tổng giám đốc này nói.

Giá nguyên liệu đầu vào leo thang, chính sách thuế thay đổi, cộng với xu hướng tiêu dùng giảm là lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất xe hơi rơi vào tình trạng khó khăn. Giám đốc Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên cho hay: "Hai tháng nay, chúng tôi hoạt động trong tình cảnh không có lãi". Lượng xe bán ra không cao, giá linh kiện đầu vào bị đội lên vì thế, song công ty vẫn không dám điều chỉnh giá bán.

Để đối phó với tính hình, Vinaxuki yêu cầu cán bộ công nhân viên tiết kiệm điện, nước, tiết giảm nhân công. Đồng thời để khuyến khích cán bộ công nhân viên làm việc, ông Huyên còn áp dụng chính sách cho nhân viên mua xe với giá rẻ hơn 20% so với giá bán ra thị trường, đồng thời được thanh toán dần khoản tiền còn lại vào tiền thưởng cuối năm.

"Cả nước khó khăn chứ không riêng gì Vinaxuki. Không hy vọng kinh doanh có lãi, với cơ sở hạ tầng sẵn có, chúng tôi sẽ sản xuất cầm chừng, anh em công nhân đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Huyên nói.

Không kỳ vọng nhiều vào sự sôi động của thị trường khi lượng xe trong nước tháng 5 giảm đáng kể, hầu hết các hãng xe hơi đều tìm cách "cứu vãn tình hình" bằng cách cân đối các khoản chi tiêu một cách hợp lý. Những buổi ra mắt sản phẩm, các chương trình truyền thông cũng được tính toán chi phí đến mức tối đa. Sau 3 tháng áp dụng các biện pháp khẩn cấp, Công ty Ford Việt Nam đã tiết kiệm được gần 200.000 USD, giải quyết được việc làm cho khoảng 600 lao động.

Công ty Bảo Long (Hà Nội) còn yêu cầu nhân viên hạn chế dùng điều hòa vào buổi sáng hoặc những ngày thời tiết mát mẻ. Mới đây công ty này quyết định cắt hai tầng trên cùng của tòa nhà 7 tầng số 54 phố Chùa Láng để cho thuê, thay vì sử dụng hết công suất như trước đây.

Còn Công ty May Thái Tuấn cũng thông báo cắt giảm mọi chi phí quảng cáo, tiếp khách, điện nước... từ cách đây vài tháng. Tất cả các chuyến công tác xa từ cấp giám đốc cho đến nhân viên đều được sắp xếp, kết hợp "một công hai chuyện" sao cho đỡ tốn kém nhất.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27090
Số người truy cập:
9278025