Người đưa ra ý tưởng này chính là CEO của hãng, anh Hiroshi Mikitani. Nhân viên công ty có thời gian 2 năm để dần đáp ứng yêu cầu mới về ngôn ngữ.
Theo NPR, người Nhật bắt đầu tham gia các lớp học tiếng Anh từ nhiều thập kỷ nay nhưng phần lớn chữ nghĩa học được đều trôi tuột khi họ rời ghế nhà trường, bởi họ không chịu bất cứ sức ép nào về chuyện phải dùng thứ ngôn ngữ này.
Trong bảng xếp hạng TOEFL năm ngoái, các thí sinh người Nhật có mức điểm thấp thứ hai trong khu vực Đông Á. Kết quả của họ chỉ hơn các thí sinh đến từ Lào, nhưng thua Bắc Triều Tiên và Myanmar.
Tiếng Anh ngày nay là ngôn ngữ được chấp nhận rộng rãi nhất trong thương mại toàn cầu. Và khi nền kinh tế chuyển đổi theo hướng mới, người Nhật lại tìm đến lớp học ngoại ngữ sau giờ làm và tải các bài học tiếng vào iPod. Chính phủ Nhật Bản cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề nên đã ra quy định đến 2013, mọi lớp học tiếng Anh ở bậc phổ thông trung học phải được dạy bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Nhật.
Tổng biên tập tờ Asahi Shimbun, ông Yoichi Funabashi cho rằng rào cản ngôn ngữ chưa bao giờ được coi là vấn đề nghiêm trọng khi nền sản xuất công nghiệp Nhật Bản còn trong thời kỳ vàng son. Khi ấy, người Nhật tự tin vào chất lượng hàng hóa mình làm ra mà không quan tâm nhiều tới việc sản phẩm ấy sẽ xuất hiện ở nước ngoài bằng ngôn ngữ gì.
"Hàng hóa sản xuất ra nếu có chất lượng tốt, sẽ tự nói lên tiếng nói của chính nó. Nhưng giờ đây, ngành dịch vụ đang đóng góp 70% GDP của Nhật Bản và một khi nền kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ, không còn cách nào khác là bạn phải giao tiếp với thế giới bằng tiếng Anh. Đó là thực tế của cuộc sống", ông nói.
Không phải ai cũng tán đồng ý tưởng của Rakuten. Lãnh đạo tập đoàn Honda Motor thậm chí coi đây là chuyện ngốc nghếch, vớ vẩn. CEO Honda, ông Takanobu Ito, gần đây công khai chỉ trích kế hoạch của Rakuten. "Thật ngớ ngẩn nếu một công ty Nhật Bản chỉ dùng tiếng Anh trong khi nhân viên của họ chủ yếu là người Nhật", ông nói.
Nhưng Mikitani không mấy để tâm tới chuyện này. "Bản chất công việc kinh doanh của chúng tôi hoàn toàn khác", Mikitani muốn ám chỉ rằng Honda chuyên sản xuất các vật dụng hữu hình trong khi Rakuten phải giao tiếp với người dùng trên toàn thế giới thông qua Internet.
"Nếu bạn muốn thành công ở thị trường nước ngoài thì trước hết phải tiến hành quốc tế hóa ngay trụ sở của mình", Mikitani thuyết phục những đồng nghiệp lớn tuổi trong công ty mình ủng hộ chương trình mới.
Với khoảng 6.000 nhân viên và doanh thu 3 tỷ USD mỗi năm, Rakuten đang ấp ủ tham vọng trở thành một thành viên quan trọng trong sân chơi thương mại điện tử toàn cầu. Thậm chí họ còn đề ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới sẽ trở thành một thương hiệu thân thuộc với mọi gia đình trên thế giới giống như những gì Google đang làm hiện nay.
"Chúng ta cần nghiêm túc thay đổi cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản hiện nay và Anh hóa là một phần trong kế hoạch đó. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ duy nhất mang tính toàn cầu. Chúng tôi đang kinh doanh toàn cầu vì vậy nói tiếng Anh là cách tốt nhất để một công ty Nhật Bản làm dịch vụ như chúng tôi trở thành tổ chức toàn cầu", Hiroshi Mikitani nói.
Rakuten đang ngày càng mở rộng quy mô làm ăn bất chấp kinh tế vĩ mô Nhật Bản vật lộn với khó khăn. Hãng còn mở trang bán hàng online phiên bản tiếng Trung và tiến hành thu mua một số website thương mại điện tử ở Mỹ, Pháp.
"Có một điều mà tôi biết chắc chắn rằng định nghĩa quốc gia hay đồng tiền đang thay đổi. Giờ đây, việc bạn khởi sự kinh doanh ở quốc gia nào không còn quá quan trọng. Áp lực cạnh tranh giờ đây mang tính toàn cầu, chứ không phải giữa một địa phương này với địa phương khác", CNN trích phát biểu của Mikitani.
Mikitani là một hình mẫu khác biệt với nhiều doanh nhân Nhật Bản: trẻ tuổi, dám chấp nhận rủi ro, cởi mở và thành thạo Anh ngữ. Anh cùng một người bạn lập công ty năm 1997 bằng tiền túi của chính mình. Hai chàng trai trẻ đã phát triển Rakuten thành công ty đại chúng và giờ đây là một thế lực trong thương mại điện tử.
Vị doanh nhân 45 tuổi này tự nhận mình là một người Nhật truyền thống, nhưng anh không hài lòng với cách điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước hiện nay. Theo anh, kinh tế chỉ tăng trưởng trở lại một khi doanh nghiệp Nhật bước ra khỏi biên giới nước mình để mở rộng và tìm kiếm cơ hội mới, ngoài những chiếc xe hay thiết bị điện tử nổi tiếng của người Nhật trước đây.
Anh cảm nhận rằng hai thế kỷ trì trệ vừa qua của kinh tế Nhật Bản sẽ ảnh hưởng nặng nề tới giới trẻ. "Xã hội Nhật Bản, đặc biệt là lớp trẻ, quá hướng nội. Họ không muốn di chuyển ra nước ngoài, chỉ muốn sống ở đây. Họ chỉ muốn một cuộc sống yên bình, ngày nào cũng tốt như ngày nào chứ không ham làm giàu. Thế đấy. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải năng động hơn, mở mang tầm nhìn ra bên ngoài", Mikitani nói.
Song Linh