Doanh nghiệp lao đao vì lãi suất vay quá cao

Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc một công ty sản xuất hàng thực phẩm, nước giải khát ở quận 12, TP HCM, cho biết, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bánh kẹo dự kiến hoàn tất trong năm 2007 của công ty đã bị kéo qua 2008 vì thiếu vốn phải vay ngân hàng. Song đến thời điểm này, công ty phải lo thu hẹp quy mô vì không chịu nổi mức lãi suất nhà băng đang tăng quá cao.

Theo ông Hùng, để nhập khẩu thiết bị máy móc xây dựng 5 chuyền sản xuất, vào tháng 5/2007 công ty đã đầu tư khoảng một triệu USD. Trong đó, đến 70% là nhờ vào vốn vay của ngân hàng. Nhưng khi nhà máy đưa được 3 chuyền vào hoạt động thì khó khăn bắt đầu xuất hiện.

Vì vay tiền để nhập khẩu máy móc nên công ty xây dựng phương án vay USD và tính toán ở mức 16.000 đồng một đôla, với lãi suất ngân hàng ấn định là 6,5% một năm. Số tiền vay một triệu USD ở thời điểm ấy bây giờ đáo hạn trả cho ngân hàng phải theo giá thị trường hơn 18.000 đồng một đôla. Như vậy, doanh nghiệp mất hơn 2 tỷ đồng do chênh lệch giá ngoại tệ mua trả cho ngân hàng.


Doanh nghiệp rất khó vay được đôla từ các ngân hàng. Ảnh: Tùng Anh.

 

Khó khăn về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí thuê nhân công leo thang cộng với khó khăn về vốn vay đã làm doanh nghiệp chùn bước. "Càng làm càng lỗ nặng nên công ty quyết định không nhập tiếp 2 chuyền sản xuất như phương án đã vạch ra", ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc công ty sản xuất bao bì ở quận 6, TP HCM cũng cho biết, doanh nghiệp này đang điên đầu vì đã lỡ xây dựng phương án kinh doanh dựa trên vốn vay ngoại tệ. Bây giờ phải cho dừng dự án, phải chịu thiệt hại vì trước đó đã ký hợp đồng mua máy móc thiết bị của nước ngoài.

Doanh nghiệp không thể đùng một cái mà có được nội lực, hoặc tự xoay sở được vốn nên lãi suất, phí ngân hàng thu cao bao nhiêu vẫn phải vay. Nhưng để tồn tại, các doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án kinh doanh.

Ông Hà Minh Tâm, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở Củ Chi, TP HCM cho biết, trước một loạt khó khăn về chi phí đầu vào, lương công nhân, lãi suất ngân hàng, trong cuộc họp hội đồng quản trị mới đây, công ty chủ trương tiếp tục giảm nhân công, sản xuất cầm chừng.

Từ đầu năm đến nay, công ty này đã cho nghỉ hơn 400 công nhân, kế hoạch sắp đến giảm thêm 200 người nữa. Công suất dự kiến cho ra hơn 1.000 tấn sản phẩm một tháng, hiện nay chỉ cầm chừng ở mức 100-200 tấn, và sẽ còn giảm nữa.

"Hoạt động kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng sữa bột, bánh ngọt vốn là thế mạnh của doanh nghiệp hiện nay cũng dừng lại vì không vay được USD để trả. Nhiều doanh nghiệp thương mại chuyên về nhập khẩu đã đóng cửa vì không vay được vốn để xoay vòng", ông Tâm cho biết thêm.

Nguồn ngoại tệ của các ngân hàng hiện nay không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay của tất cả khách hàng. Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), việc thay đổi hình thức cho vay là phản ứng tất yếu của các ngân hàng đối với thị trường.

"Chỉ khi nhà băng có đôla thì mới có thể cho doanh nghiệp vay được, nếu không có sẽ đề nghị doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng. Hiện nay, đối tượng khách hàng vay tiền và các nhóm ngành được ngân hàng phân loại kỹ lưỡng trước khi quyết định cho vay", ông Toại cho biết.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
64920
Số người truy cập:
8586718