Doanh nghiệp đánh vật với công nợ

Chị cầm hóa đơn có chữ ký của vị tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực bảo hiểm mà thấy ngán ngẩm. Khoản nợ 1 tỷ đồng với công ty chị Nga sau nhiều lần "khất" được chuyển thành tấm giấy ghi: "Chúng tôi sẽ thanh toán số tiền thành 10 đợt. Mỗi lần 100 triệu đồng".

"Chưa bao giờ việc thu hồi nợ lại khó khăn đến vậy. Đi đòi tiền mà phải nhún nhường cứ như đi xin. Chủ nợ và con nợ đều không dám nhìn vào mắt nhau vì cả hai đều từng là đối tác lâu năm", chị Nga than thở.

Ba tuần nay, đích thân chị Nga phải bỏ công bỏ việc ở cơ quan để làm nhiệm vụ thu hồi nợ. Chỗ thì nợ 1 tỷ, nơi 500 triệu đồng, chỗ thì chỉ có vài ba chục triệu, song tính sơ sơ lại, số tiền mà bạn hàng nợ lên tới gần 5 tỷ đồng. Vậy mà, ròng rã mấy chục ngày trời, số nợ thu hồi được chưa đạt con số 50 triệu đồng.

Chỗ nợ nhiều thì chia nhỏ số tiền ra thành 5-6 lần để thanh toán, chỗ nợ ít thì chỉ nhắn lại một câu: "Em à, số tiền ấy đáng là bao, phiền em quá, anh sẽ cho người mang đến em ngay". Thế nhưng đợi mãi, đợi mãi chẳng thấy bóng dáng ai đến thanh toán. "Vài chục triệu đồng mà thúc bạn hàng thì ngại, mà họ không trả cũng chẳng biết làm gì. Chẳng lẽ lôi nhau đi kiện", chị Nga nói.

Theo chị, khó khăn của doanh nghiệp ai cũng hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, mỗi doanh nghiệp phải tự cứu mình, nếu không đi thu hồi vốn sớm thì những khoản tiền này rất dễ trở thành khoản khó đòi trong tương lai.

Trong vòng 2 tháng nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình cảnh khó khăn. Ngân hàng hạn chế cho vay, lãi suất bị đẩy lên cao chót vót. Khó vay vốn, doanh nghiệp sản xuất thì hoạt động cầm chừng, chi phí cũng bị cắt giảm đến mức tối đa. Chính vì thế, công ty tổ chức sự kiện của chị Nga chẳng trông chờ vào các hợp đồng mới. Các nhân viên trong công ty được phân cồng đầu việc rõ ràng, số thì hoàn tất hợp đồng đã ký, số còn lại đổ đi các nơi để thu hồi nợ.

Một công ty công nghệ thuộc hàng đại gia ở Hà Nội cũng đang khốn đốn vì chuyện công nợ. Bình thường, doanh thu một năm của doanh nghiệp vào khoảng trên dưới chục triệu USD. Năm nay có nguy cơ kết quả kinh doanh chỉ nằm trên giấy vì các hợp đồng của công ty đều dưới dạng trả chậm, thanh toán sau khi đã hoàn tất khâu chuyển giao máy móc, công nghệ. Tính ra, kể cả nợ khó đòi vẫn còn dây dưa từ những năm trước, và những khoản mới phát sinh từ đầu năm đến nay, khoảng 5 triệu USD của công ty vẫn chưa tìm về với chủ.

Đầu tháng 6, công ty quyết định hạn chế ký hợp đồng mới, dành toàn bộ nhân lực đi đòi nợ, thậm chí các cấp lãnh đạo còn kêu gọi không đi nghỉ hè để hoàn thành nhiệm vụ. Hô hào là vậy, nhưng từ lãnh đạo đến nhân viên đều lo khó hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu như những năm trước, chuyện thu hồi nợ được coi là công việc của tháng cuối năm thì thời điểm hiện tại do lo ngại tình trạng lạm phát, khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp lại đặt lên hàng đầu. Anh Sơn - Giám đốc một công ty phân phối máy tính ở Hà Nội than thở: "Chưa bao giờ bán một chiếc máy tính cho khách hàng, nhân viên của tôi lại phải đi gom từng triệu đồng một".

Mỗi sáng đến cơ quan nghe nhân viên bán hàng báo cáo tình hình tiêu thụ và nợ nần mà nẫu hết cả ruột. Có một đối tác làm ăn khá uy tín với công ty trong nhiều năm vậy mà mấy tháng nay cũng đánh bài "lờ lớ lơ" với các khoản nợ. Đích thân anh Sơn gọi điện nói ngon ngọt: "Anh ơi! Làm ơn chuyển tiền cho em đi, sao bảo chuyển rồi mà lâu thế". Phía đầu dây bên kia cũng ngọt nhạt: "Anh chuyển cho chú rồi mà, sao lại không thấy nhỉ. Để anh hỏi kế toán xem sao, anh sẽ báo ngay". Sau nửa ngày đối tác nói một câu ngắn gọn: "Kế toán bên anh ghi nhầm số tài khoản".

Trong 6 năm thành lập công ty và hoạt động, anh Sơn nhớ nhất trường hợp một chị khách mua một máy tính đời mới cứng 24 triệu đồng cách đây hai tuần. Là mối quen nên đích thân sếp Sơn viết giấy cho nợ, hẹn tuần sau quay lại thanh toán. Đến hẹn, nhân viên gọi điện hỏi tiền thì nhận được câu trả lời: "Em ơi, chị thua sạch chứng khoán, chẳng còn đồng nào em ạ. Cho chị trả chậm đi, mỗi tháng 2 triệu, chia làm 12 tháng nhé". Nghe đến đây, nhân viên công ty gần như xỉu, anh Sơn cũng chỉ biết kêu trời: "Ai cũng như vị khách này thì chắc chúng tôi đóng của công ty mất".

Anh tâm sự, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu trên sổ sách vẫn tăng khoảng 20-30% nhưng nhiều khoản tiền nằm ở nhà phân phối khác, mỗi nơi khoảng trăm triệu thậm chí vài ba chục triệu. Nếu như cách đây một năm thì việc nợ nần được coi là "chuyện nhà mộc" nhưng thời điểm hiện tại đây quả là một thách thức. Bạn hàng không có tiền để trả nợ, hoặc họ dùng số tiền ấy vào các khoản nợ cấp bách hơn. "Nói tóm lại dân kinh doanh chúng tôi gọi thời điểm này là thương trường là công trường - một công trường ngổn ngang đầy hàng hóa và các khoản nợ", anh Sơn nói.

Chính vì lo những khoản nợ khó đòi, một số doanh nghiệp nhỏ đành phải thực hiện chiến lược "ăn chắc mặc bền". Nếu có tiền mới xuất hàng hoặc hạn chế khoản nợ từ 20% xuống 8-10% doanh thu. Trưởng phòng kinh doanh của một hãng hóa mỹ phẩm ở Hà Nội cho biết thu hồi nợ là một việc khó khăn nhất đối với các công ty phân phối sản phẩm. Công ty ông phân phối hàng hóa qua hệ thống các chợ, từ chợ lại đổ hàng về các huyện, xã ở vùng nông thôn. Chính vì vậy, các khoản nợ nần được quay qua nhiều vòng nên thường thì phải đến cuối năm, khi hoàn tất việc thu hồi nợ, công ty mới ngồi nhẩm tính xem lãi lỗ ra sao.

Trao đổi với VnExpress, nhiều giám đốc cho rằng việc nợ nần đối với doanh nghiệp là chuyện cơm bữa bởi có vay thì có trả, có nhập thì có xuất. Tuy nhiên, cái khó ở đây là "con nợ" không phải ai khác chính là những đối tác, bạn hàng và mối làm ăn quen, họ khó đến mức không có tiền trả chứ không phải cố tình không trả.

Chính vì thế theo chị Nghĩa, giám đốc một công ty phân phối mỹ phẩm thì thu hồi nợ trong bối cảnh hiện nay cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật. "Biết là họ nợ mình nhưng không vì thế mà dùng những lời lẽ gay gắt hay hù dọa, và càng không thể nhờ đến các công ty đòi nợ thuê. Trong trường hợp này chúng ta nên nhờ đến luật sư của công ty đến thuyết phục bạn hàng là tốt nhất", chị Nghĩa chia sẻ.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27314
Số người truy cập:
9278305