Đô thị hóa "quét" qua làng ven đô: Làm gì để giữ được văn hóa truyền thống?

 Vài năm trở lại đây cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt là sự xuất hiện của những ngôi nhà mọc san sát, những căn chung cư cao tầng chen chúc.

Đằng sau các khu đô thị có kết cấu hạ tầng hiện đại tưởng chừng như đó là cuộc sống đầy đủ văn minh lại là vấn đề đầy nan giải về việc xây dựng không gian sống mới.

Có thể nói không gian sống mới ở đô thị hiện nay là một chủ đề hiện đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đặc biệt với những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị hay chính với những cư dân đang sống trong khu đô thị mới.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, “Không gian sống mới ở đô thị là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị luôn phải trăn trở.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không thể cưỡng lại được bởi đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát được đô thị hóa là bài toán khó?”

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Chiến cho biết, theo con số thống kê mới nhất hiện nay, năm 2017, tốc độ phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra rất nhanh với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Điều đó có nghĩa tốc độ đô thị hóa gia tăng hàng năm là 1% tương đương mỗi năm có 1 triệu dân tham gia sống ở đô thị.

“Đây là cả một vấn đề, không chỉ là con người đông lên mà đất đai ở các khu vực đô thị mở rộng ra bên ngoài rất nhiều. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là bên cạnh văn minh đô thị do đô thị hóa mang lại thì chúng ta chưa kiểm soát được tốc độ này để bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhiều khu vực làng xóm ở ven đô nhưng ngày mai khi đô thị trùm qua tự nhiên sẽ biến thành khu đô thị hóa, làng đô thị hóa song quá trình này lại không thể kiểm soát được, dẫn tới hậu quả là đánh mất văn hóa truyền thống.

Tại những khu vực đô thị, đi cùng văn minh đô thị là câu chuyện về mối quan hệ giữa con người với con người. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Có những chung cư người ta hàng ngày gặp nhau, khoảng cách chỉ là tầng trên và tầng dưới, nhưng không biết ai là ai, đang làm gì, như thế nào.

Điều đó khác xa với văn hóa làng xóm trước đây. Thậm chí ở một làng, có người ở làng bên sang hay từ nơi xa về ai cũng biết. Nhưng rõ ràng cuộc sống của đô thị hóa hiện nay lại không như vậy”, ông Chiến nói.

Trước những biến đổi mà quá trình đô thị hóa mang lại, ông Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đặt ra vấn đề, đó là “làm thế nào để để giữ được cái văn minh đô thị và văn hóa truyền thống trong không gian sống mới”. Bài toán này đã và đang trở thành nỗi trăn trở của các nhà quản lý và các nhà quy hoạch hiện nay.

Cùng chung quan điểm với ông Chiến, họa sỹ Thành Chương đặt ra câu hỏi rằng: “Làm sao tân tiến, hiện đại nhưng phải giữ gìn bản sắc dân tộc? Làm sao để đầy đủ tiện nghi nhưng không mất đi nếp sống truyền thống bao đời nay? Đó là bài toán của nhà quản lý, hoạch định, kiến trúc sư. Bài toán cấp thiết nhưng khó giải quyết. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta từ bỏ, thay vào đó cần phải tìm cách giải quyết cẩn trọng hơn.”

Quả thật, chẳng dễ để đưa ra một định nghĩa trọn vẹn với đầy đủ những tiêu chí về một không gian sống văn minh tại các đô thị bởi góc nhìn mỗi người mỗi khác. Và càng chẳng đơn giản trong hành trình tìm kiếm đáp số chính xác cho bài toán làm thế nào để giữ được cái văn minh đô thị và văn hóa truyền thống trong không gian sống mới.

Chắc chắn điều này chỉ thực hiện được khi có sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi một cư dân trong khu đô thị, như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ trong Tọa đàmKhông gian sống mới dưới góc nhìn văn hóa:“Cho đến bây giờ, khi tiến trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, khi loại hình nhà ở chung cư là tất yếu thì tôi cho rằng con người cũng sẽ phải thay đổi để cùng xây dựng đời sống văn minh và ý nghĩa hơn.”

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người … Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên:Nơi Tôi Sống.

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xemtại đây.

Theo reatimes.vn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
28802
Số người truy cập:
7650505