Christian Bale trong phim Flowers of War |
Gần như trong suốt lịch sử phim ảnh thế giới, những thành công lớn của các nhà làm phim nước ngoài luôn gắn liền với việc đến Hollywood. Tuy nhiên, gần đây những cơn gió giao dịch của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới bắt đầu thổi theo hướng khác. Tương tự nhiều lĩnh vực thương mại khác, sức mạnh đang lên của phim ảnh Trung Quốc - thông qua việc tăng trưởng doanh thu phòng vé, đang thúc đẩy sự thay đổi.
Xoay chiều?
Từng có thời những ngôi sao nổi tiếng nhất của điện ảnh Hoa ngữ, từ Lý Tiểu Long, Thành Long, đạo diễn Ngô Vũ Sâm đến đạo diễn Lý An tìm đến phương Tây để nâng sự nghiệp của họ lên tầm cao mới, di chuyển từ "ao làng" quê nhà đến "biển lớn" ở phía nam California. Nhưng giờ đây, việc các ngôi sao Hollywood tiến về phương Đông, tìm kiếm cơ hội ở Trung Quốc ngày càng phổ biến hơn.
Đơn cử như Animal World - bộ phim hành động của Enlight Media, khởi động mùa phim hè bom tấn của Trung Quốc với doanh thu 38 triệu USD trong 3 ngày công chiếu, có sự góp mặt của Michael Douglas - chủ nhân 2 tượng vàng Oscar. Douglas không phải là ngôi sao Hollywood duy nhất sẵn sàng vào vai phụ trong một bom tấn điện ảnh Trung Quốc.
Michael Pitt gần đây đã xuất hiện trong "hit" hài Detective Chinatown 2 từng thu về 544 triệu USD tại Trung Quốc. Frank Grillo vào vai kẻ xấu xa đến từ phương Tây trong Wolf Warrior 2 - bom tấn lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc khi thu về 870 triệu USD. Cuối hè này, Bruce Wills và Adrian Brody hóa thân thành các chỉ huy người Mỹ trong phim Unbreakable Spirit có đề tài liên quan đến Thế chiến II.
Bruce Wills trong phim Unbreakable Spirit |
Các ngôi sao Hollywood từng xuất hiện trong các phim lớn có bối cảnh Trung Hoa trước đây, đáng chú ý là Christian Bale trong Flowers of War của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Matt Damon trong The Great Wall. Nhưng những phim này đều là các sản phẩm hợp tác Mỹ - Trung, được các nhà sản xuất Mỹ khởi xướng với hy vọng làm cầu nối cho 2 thị trường lớn nhất thế giới và nhắm đến việc bán vé cho khán giả ngoài thị trường Trung Quốc.
Đi tìm miền đất hứa
Trong làn sóng phim ảnh mới hiện nay, việc bổ sung ngôi sao ngoại quốc vào phim Trung Quốc chủ yếu là để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa. Một yếu tố thúc đẩy xu hướng này là sự tăng trưởng chóng mặt kinh phí sản xuất phim tại Trung Quốc. Như Detective Chinatown phần đầu có kinh phí 15 triệu USD năm 2015, song phần 2 đã chi hơn 60 triệu USD vào năm 2018.
Các nhà sản xuất cho biết ngân sách tăng lên là sự phản ánh của cả tăng trưởng của doanh thu phòng vé Trung Quốc (đạt 8,6 tỷ USD năm 2017) lẫn nhu cầu mong muốn phim nội địa có chất lượng đẳng cấp thế giới của khán giả Trung Quốc. Ngân sách tăng cũng giúp các hãng phim có đủ tiền để trả cho các ngôi sao Hollywood.
Nhưng sự bùng nổ trong cuộc chuyển giao tài năng từ Tây sang Đông là ở phía sau máy quay. Bởi không có đủ chuyên gia hậu trường ở Trung Quốc đạt yêu cầu của thị trường và số lượng các sản phẩm nội đang tăng lên. Thành công vượt bậc của Wolf Warrior 2 (2017) với sự tham gia của chuyên gia dàn dựng cảnh hành động Sam Hargrave (từng làm phim Avengers: Infinity War) và nhà soạn nhạc Joseph Trapanese (soạn nhạc cho The Greatest Showman, Straight Outta Compton)... đã mở đầu xu hướng này.
Hiện tại, gần như tất cả phim Trung Quốc kinh phí lớn sắp ra mắt đều có vài chuyên gia (thiết kế trang phục, âm thanh, hiệu ứng hình ảnh, dựng phim, đạo diễn hành động, quay phim...) xuất thân từ Hollywood. Trong đó, nhiều người từng đoạt giải Oscar hay tham gia sáng tạo ra các phim bom tấn như Lord of the Rings, Deadpool, Fast and Furious 7...
Cựu đạo diễn Hollywood Renny Harlin (từng làm Die Hard 2, Cliffhanger) đến Bắc Kinh 4 năm trước để làm bộ phim hành động Skiptrace của Thành Long và từ đó đến nay chưa rời khỏi Trung Quốc, chia sẻ: "Lúc đầu tôi thực sự có cảm giác của một con sói đơn độc. Nhưng giờ đây, việc gặp các quay phim, nhà thiết kế, sản xuất hay người giám sát hiệu ứng đến từ Hollywood tại Bắc Kinh đã là rất bình thường".
Các ngôi sao hạng A của Hollywood đổ sang Trung Quốc còn bởi hiện đang có ít cơ hội hơn trong ngành phim điện ảnh ở Los Angeles. Truyền hình, các nền tảng phát trực tuyến và giải trí trên thiết bị di động đã tạo ra một môi trường cạnh tranh khán giả chưa từng có, khiến thị trường phim ảnh Mỹ chia tách thành 2 nhánh: các phim nhượng quyền kinh phí cao và các phim kinh dị và hài ngân sách thấp, cùng tình trạng ngày càng khan hiếm các phim độc lập.
Các chuyên gia kỳ cựu ở Hollywood nhận ra nếu họ vẫn muốn nhìn thấy các sản phẩm của mình trên màn ảnh rộng thì Trung Quốc là một trong số ít lựa chọn tuyệt vời.
Châu Âu cũng đang bắt đầu có lợi từ sự nổi lên của Trung Quốc. Nhà làm phim Christiano Bortone đang điều hành Bridging the Dragon có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và Berlin (Đức) dành riêng cho việc xây dựng các mối liên kết giữa điện ảnh châu Âu và Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang bắt đầu tiếp cận hồ nước sâu gồm những tài năng làm phim nghệ thuật và chuyên nghiệp của châu Âu theo cùng cách Hollywood từng làm trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ, đạo diễn Giả Chương Kha đã thuê đạo diễn hình ảnh người Pháp cho Ash is the Purest White - phim dự thi Liên hoan phim Cannes 2018.
Bortone cũng nhắc nhở: "Những nhà quay phim tuyệt vời nhất đều xuất thân từ châu Âu. Giờ đây Trung Quốc đừng chờ họ trở nên quá đắt giá ở Hollywood, mà hãy đến nơi bắt đầu của họ”. Ông nói thêm: "Cứ như là thế giới đang quay ngược lại vậy. Trong quá khứ, chúng tôi đến Trung Quốc vì nguồn lao động rẻ. Giờ đây, ít nhất là trong kinh doanh phim ảnh, họ đang đến châu Âu vì lý do tương tự".