Điện ảnh không của riêng ai!

Là người theo dõi khá sát cuộc thi Làm phim 48 giờ, điều tôi thú vị nhất đối với cuộc thi này là điện ảnh không của riêng ai! Và điện ảnh cũng không "ghê gớm" như nhiều người vẫn nghĩ. Với cuộc thi này, ai cũng có thể tham gia, miễn là có lòng đam mê điện ảnh và có chút hiểu biết về nó... Và giải thưởng khả năng được chia đều cho mọi người, ai cũng có cơ hội đàng hoàng bước lên sân khấu và nhận giải thưởng điện ảnh!

Những hình ảnh hậu trường làm phim The River của nhóm YetiẢnh: YETI
 
Những thước phim sinh động, thú vị
 
Dù đề tài giới hạn và các thể loại được thực hiện theo cách bốc thăm cho từng nhóm, gồm: Phim âm nhạc, phim tình cảm, phim bi kịch (dramma), phim giả tưởng, phim câm, phim hành trình (road movie), ly kỳ hồi hộp (thriller), phim kinh dị (horror), phim viễn tưởng, phim hài, phim đen trắng nhưng các phim đã được thể hiện rất sinh động và thú vị, dù các thành viên tham gia gồm rất nhiều thành phần trẻ, có nhóm còn là học sinh tiểu học.
 
Đó là những người yêu thích làm điện ảnh thật đáng quý. Họ có những ý tưởng thật mới mẻ khi thể hiện tác phẩm của mình. Các góc máy rất lạ và đẹp, tuy phương tiện rất thô sơ, cách dựng phim (edit) cũng vậy, rất lạ và táo bạo. Có thể các bạn trẻ này chưa được đào tạo bài bản nhưng nhiều khi sự "trong sáng" ấy lại mang đến những hiệu quả bất ngờ.
 
Hình như điều gì tươi nguyên, mới mẻ và đặc biệt không lệ thuộc hay câu nệ vào khuôn phép thì lại có sự hấp dẫn riêng của nó. Điều mà điện ảnh VN rất thiếu bây giờ! Theo tôi, đó là những tín hiệu đáng mừng. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lực lượng điện ảnh của chúng ta khá già cỗi và chúng ta đang cần một làn gió mới, những cách nhìn mới và làm mới.
 
Nguồn nhân lực
 

Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lực lượng điện ảnh của chúng ta khá già cỗi và chúng ta đang cần một làn gió mới, những cách nhìn mới và làm mới.

Có ý kiến cho rằng đó là những "tín hiệu vui", tôi đồng ý nhưng nói đó là "hạt mầm" thì tôi lại cho là quá lạc quan! Vì hạt mầm điện ảnh được vun xới và chăm sóc để trở thành những tài năng thật sự, góp phần làm thay đổi diện mạo điện ảnh một cách đúng nghĩa, còn là con đường dài. Không chỉ có sự yêu thích và ngẫu hứng là đủ, nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những nguồn để chúng ta có thể đầu tư cho tương lai.
 
Theo tôi, điện ảnh cần có chiến lược phát triển lâu dài, cần sự đầu tư đúng mức từ Nhà nước, cần sự đào tạo một cách bài bản, nhất là đội ngũ trẻ. Tôi học Trường Đại học Điện ảnh VN từ khóa I, có nghĩa cách đây hơn 30 năm nhưng đến bây giờ, tôi thấy sự thay đổi về đào tạo gần như không đáng kể, thậm chí có chiều hướng đi xuống!
 
Tài năng phải được chọn lựa đúng, phải được đầu tư đúng mức, phải được đào tạo trong môi trường chính quy và đồng bộ, kể cả gửi đi học ở nước ngoài thì mới mong có được những tác phẩm lớn. Tất nhiên là rất tốn kém.
 
Điện ảnh VN muốn phát triển cần một nền tảng bền vững, chúng ta có thể nhìn tấm gương của điện ảnh Hàn Quốc thì rõ. Sự mai một của điện ảnh VN hiện tại được nhìn thấy từ mọi phía, đó cũng là điều đáng suy nghĩ.
Nơi phát hiện nhiều tài năng của điện ảnh thế giới
 
Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2001 tại thủ đô Washington (Mỹ), cuộc thi Làm phim 48 giờ đến nay đã bước vào năm thứ 9. Cuộc thi này được khởi xướng bởi Mark Ruppert vào tháng 5-2001 tại Mỹ. Điều quan trọng là anh ta đã đưa ra một ý tưởng táo bạo: Liệu trong 48 giờ người  ta có thể làm xong một bộ phim ngắn, từ khâu viết kịch bản - chọn diễn viên - quay phim - dựng phim - làm nhạc và hoàn chỉnh phim không? Và 9 năm qua đã là câu trả lời đầy thuyết phục. Riêng năm 2009, cuộc thi đã tổ chức tại 76 thành phố từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á đến châu Úc, có gần 40.000 người yêu phim tham gia, với 3.000 phim ngắn được  hoàn thành.
 
Năm nay, cuộc thi Làm phim 48 giờ lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội, từ ngày 9-10 đến 26-11, với sự phối hợp của HK Film, đang vào giai đoạn kết thúc. Có 20 phim hợp lệ vào tranh giải chính thức.
 
Một số tài năng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy trên thế giới đã được phát hiện sau cuộc thi này như nhà làm phim tài liệu Nick Clooney, diễn viên Dennis Farina (phim Snatch) hay minh tinh tóc vàng Reese Witherspoon - người từng đoạt giải Oscar vào năm 2006 cho Nữ diễn viên chính xuất sắc trong bộ phim Walk The Line...
Đạo diễn Đinh Anh Dũng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
40141
Số người truy cập:
7331395