"Cần mua các loại sách giá rẻ”, “Cần mua sim điện thoại di động dễ nhớ”, “Đồng 2 USD mới cứng giá siêu rẻ đây" - những lời chào hàng khá hấp dẫn này được rao bán khắp nơi trên chợ ảo.
Chợ bày bán đủ loại hàng nhưng phổ biến nhất là hàng điện tử gia dụng, điện thoại di động, linh kiện máy tính, hóa mỹ phẩm, quà tặng, quần áo thời trang. Các sản phẩm mới được liệt kê ngay trên trang chủ, muốn biết chi tiết khách có thể click vào ảnh hoặc tên sản phẩm, sẽ có ngay giá cả, xuất xứ, thậm chí cả chất liệu, công dụng...
Không gian trên mạng là vô tận vì thế những mặt hàng có cả chục trang giới thiệu tỉ mỉ. Mua hàng ở chợ hay siêu thị thế nào các bà, các cô có thể thực hiện như vậy ngay trên mạng. Thao tác thực hiện cũng đơn giản, nếu thích món đồ nào, người mua chỉ cần nhấn chuột vào nút "Mua hàng", khi đổi ý chỉ cần xem lại và dùng chuột di tên hàng vào ô lệnh "Hủy bỏ". Với một số mạng của các công ty làm trung gian cho các hãng nước ngoài, khách sẽ truy cập trang web của những hãng bán hàng trên mạng để chọn hàng rồi ghi chú những chi tiết như website, tên hàng, giá, đường link và các thông tin miêu tả hàng rồi đăng ký vào đơn mua hàng có sẵn. Mọi trao đổi sẽ được thực hiện qua email.
Chợ ảo cũng tuân thủ các quy luật của thị trường đó là "thuận mua vừa bán". Thế nhưng, đằng sau những giao dịch thành công ấy cũng không ít những tranh chấp xảy ra mà thiệt thòi bao giờ cũng nghiêng về phía khách hàng.
Các giao dịch mua bán ở xa hiện áp dụng phương thức thanh toán người mua phải chuyển tiền trước cho bên bán. Chuyển tiền xong, khách hàng thông báo qua tin nhắn SMS cho bên bán sau đó mới được chuyển hàng. Chính vì thế mà không ít trường hợp chỉ biết cười trừ xem như bỏ tiền mua bài học kinh nghiệm.
Anh Minh Phương ở Hà Nội cho biết sau gần một tuần lạo dạo trên chợ ảo, lướt qua hết trang web mua bán trực tuyến này đến chợ online khác. Cuối cùng, anh cũng "tia" một chiếc Ipod được quảng cáo là khá nhiều tính năng và giá cũng dễ thở. Anh liên hệ với người bán, sau vài cuộc trao đổi, thương vụ mua bán thành công. Tiền được thanh toán trước, khi nhận hàng về anh mới vỡ lẽ chiếc Ipod này được sản xuất tại Trung Quốc và không có nhiều tính năng ưu việt như khi được chào bán trên mạng. Chưa kể, nếu tính thêm chi phí vận chuyển thì giá bị đội lên rất nhiều.
Điều anh Phương băn khoăn nhất là nếu chẳng may chiếc Ipod bị hỏng, cách duy nhất anh có thể làm là gửi vào TP HCM để bảo hành, sửa chữa.
Chị Liêu Thị Như Hằng nhân viên một văn phòng đại diện nước ngoài tại TP HCM cũng có thói quen lên các diễn dàn bán hàng để xem áo quần thời trang. Chị kể, một lần chuyển tiền để mua một cái áo lụa của người bán ở Hà Nội và không nhận được hàng. Chị lên diễn đàn để tra lại thông tin, thế nhưng cả lời giới thiệu về sản phẩm và số liên lạc với người bán đều bốc hơi. "Số tiền tôi mất trong vụ mua bán trên chỉ có hơn 100.000 đồng nhưng căn bản là mình cảm thấy như thể bị lừa. Từ đó tôi cũng không mấy tin tưởng khi mua hàng online", chị nói.
Giao dịch trên mạng không phải lúc nào cũng được suôn sẻ, do đó cư dân mạng tự bảo vệ mình bằng cách hẹn giao hàng ở một địa điểm thuận tiện cho cả 2. Nếu bên mua hoặc bán đến chậm quá 10 phút và điện thoại ở chế độ không liên lạc được giao dịch sẽ bị hủy bỏ.
Theo ông Phạm Hùng Thế - Giám đốc kỹ thuật công ty VietPay, các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện mới dừng lại ở mức trưng bày sản phẩm và tạo điều kiện cho người bán, người mua gặp nhau. Hai bên tự dàn xếp hình thức thanh toán, giao hàng nào phù hợp nhất cho mình chứ không theo một quy định nào. Chính vì vậy việc xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện hay gian lận là khó tránh khỏi.
Ông Nhan Thế Luân, Giám đốc thương mại điện tử của website mua bán trực tuyến 123mua.com.vn cho hay rủi ro trong các giao dịch điện tử không chỉ xảy ra với bên mua mà đôi khi cả bên bán. Mối lo ngại của các trang web bán hàng trực tuyến hiện nay là gặp phải những người thích đùa. Họ lập những nick name trên mạng và tham gia mua bán nhưng lại không có nhu cầu thực sự nhưng lại làm nhiễu thông tin cho người mua. Các phần mềm hiện tại rất khó loại trừ được những cái nick "có tiền án" như vậy.
Mới đây, một người có nick Zigzap còn lên mạng 123mua.com.vn than thở chuyện cô gặp rắc rối khi bán hàng. Zigzap bán một số món hàng cho người có tên là rongcon139 kèm theo bản thương lượng giá cả, thời gian và địa điểm giao hàng. Thế nhưng đến hẹn, rongcon139 không đến nhận hàng làm Zigzap phải đợi dưới trời mưa trong khi chỉ vài giờ nữa Zigzap phải đi công tác.
"Chúng tôi đã đưa chứng chỉ seller để kiểm soát các thành viên của mình. Chứng chỉ này là cơ sở khẳng định an toàn giao dịch cho seller đó và số tiền ký gửi này nhằm bảo đảm quyền lợi thanh toán của khách hàng khi cần thiết và có thể được hoàn trả lại khi cho người mua trong các trường hợp rủi ro”, ông Luân nói.
Theo đó, các trường hợp như chuyển tiền mà không nhận được hàng, sản phẩm sai yêu cầu… sẽ được giải quyết. Như vậy, với các chủ shop có đăng ký chứng nhận seller sẽ có những quyền lợi bảo đảm hơn những chủ shop khác, đặc biệt là giảm thiểu rủi ro trong thanh toán và giao dịch.
Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cũng cho rằng để phòng tránh rủi ro khi mua hàng qua mạng người tiêu dùng cần chú ý đến thông tin về người bán để xác định rõ đây có phải là một website có uy tín hay không, đọc kỹ các chính sách liên quan đến việc mua hàng, trả lại hàng, thanh toán, vận chuyển, đặc biệt lưu ý đến cước phí vận chuyển vì đây là một khoản chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành mua một món hàng. Khi mua hàng ở nước ngoài, cần có trình độ tiếng Anh tốt để không hiểu sai các thông điệp trên trang web.
Còn theo các chuyên gia ngân hàng, khi mua hàng qua mạng khách cần thận trọng khi khai báo các thông tin liên quan đến thẻ thanh toán vì xa lộ thông tin khổng lồ không thiếu những kẻ rình rập chờ cơ hội khổ chủ sơ hở đánh cắp dữ liệu để moi tiền. Khá nhiều mạng ở nước ngoài đã không chấp nhận bán hàng về VN vì họ từng phải giải quyết các vụ rắc rối cho khách hàng như vậy.
Theo VnExpres