Đám đông giết người ở Ấn Độ do thông tin lan truyền trên mạng

 

Những tin nhắn và video bắt cóc trẻ em lan truyền trên mạng xã hội Ấn Độ khiến đám đông phẫn nộ tấn công những người khả nghi.

Cảnh sát Harssh Poddar cảnh báo về tin tức giả trên mạng tại một trường học gần thị trấn Malegaon, Ấn Độ. Ảnh: NPR.

Cảnh sát Harssh Poddar cảnh báo về tin tức giả trên mạng tại một trường học gần thị trấn Malegaon, Ấn Độ. Ảnh: NPR.

Người mẹ hai con Iram Sabah và chồng gần đây nhận được đoạn video quay cảnh một đứa trẻ bị cắt rời các bộ phận cơ thể và một giọng nói kêu gọi họ chuyển tiếp video này cho người khác, đồng thời cảnh báo nên đề phòng những kẻ bắt cóc đang hoành hành ngoài xã hội. Hiện chưa rõ thời gian và địa điểm quay video, hoặc đây có phải video đã qua chỉnh sửa hay không, nhưng Sabah vẫn rất lo sợ và không dám mạo hiểm, theo NPR.

"Khi các con ra ngoài chơi, tôi thực sự sợ hãi", người phụ nữ 27 tuổi sống tại thị trấn Malegaon thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ, cho biết. "Những tin đồn đang lan truyền. Tôi không để các con đi học một mình nữa".

Những video và tin nhắn như vậy đã được truyền đi khắp Ấn Độ, chủ yếu qua ứng dụng WhatsApp, công cụ nhắn tin với hơn 200 triệu người dùng tại quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, nhiều video và tin nhắn trong số này là giả mạo hoặc đã bị chỉnh sửa. Loạt tin nhắn khiến các bậc phụ huynh như Sabah phải giữ con mình trong nhà. Các giáo viên cho biết ngày càng nhiều học sinh không tới trường. 

Nguy hiểm hơn nữa, nhiều đám đông tại Ấn Độ bị kích động bởi thông tin đã tấn công những người mà họ nghi là kẻ bắt cóc. Khoảng 20 người đã bị đám đông đánh đập tới chết trong những tháng gần đây. Nạn nhân mới nhất là Mohammad Azam, kỹ sư 27 tuổi của công ty Google. Anh bị nghi là kẻ bắt cóc sau khi đưa kẹo cho trẻ em địa phương. 

Vào khoảng 23h ngày 1/7, Sabah nghe thấy tiếng ồn ào ngoài cửa khi đang ở cùng hai đứa con 4 và 6 tuổi. Chồng cô lúc đó đang sửa xe máy ở bên ngoài nên đã chứng kiến sự việc.

"Tôi thấy một nhóm đang đánh đập 5 người. Đám đông ngày càng lớn và lấp kín con đường trước cửa nhà tôi. Họ thậm chí tấn công cả xe cảnh sát", Shaikh Karim, 32 tuổi, chồng của Sabah, kể lại.

5 nạn nhân bị đám đông bao vây là một cặp vợ chồng, con của họ và hai người họ hàng. Theo lời cảnh sát và các nhân chứng, họ đi lang thang trong thị trấn để ăn xin. Tuy nhiên, người dân địa phương lo sợ rằng đây là kẻ bắt cóc mà những tin nhắn WhatsApp đã cảnh báo, nên đã tấn công họ.

Karim kéo các nạn nhân vào nơi an toàn trong nhà, trong khi đám đông dùng đá ném vỡ cửa sổ. Cảnh sát cuối cùng cũng can thiệp và giải tán được đám đông, nhưng 5 người ẩn náu vẫn run rẩy. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn sống sót như họ. Tại quận Dhule ở lân cận vào cùng ngày, 5 người khác đã bị đánh đến chết khi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Shaikh Karim đã cứu 5 người khỏi đám đông phẫn nộ trước cửa nhà hồi đầu tháng. Ảnh: NPR.

Shaikh Karim đã cứu 5 người khỏi đám đông phẫn nộ trước cửa nhà hồi đầu tháng. Ảnh: NPR.

Nỗ lực chống tin tức giả

Cảnh sát Ấn Độ đã khởi động chiến dịch chống tin tức giả trên toàn quốc. Họ phát tờ rơi tại các nút giao thông để đính chính những tin đồn mới nhất lan truyền trên mạng. Các cuộc họp toàn thị trấn cũng được triển khai trên cả nước.

Tại một ngôi trường vùng nông thôn gần thị trấn Malegaon, các sĩ quan chiếu một trong những đoạn video dễ gây kích động cho các học sinh, trước sự chứng kiến của hàng trăm dân làng. Cảnh sát kêu gọi mọi người cần đặt nghi vấn với những thông tin trên mạng.

"Chúng tôi khẩn cầu các gia đình không nên bị lừa bởi những tin đồn và tin tức sai lệch trên mạng. Họ phải có chính kiến và tự nhận thức. Trong bất cứ trường hợp nào, việc tấn công ai đó dựa trên tin đồn đều là phạm pháp", cảnh sát Harssh Poddar cho biết.

Nhiều tin đồn trên mạng đánh vào những nỗi sợ sâu thẳm của con người, chẳng hạn như con cái bị bắt cóc. Một số thông điệp lại đổ lỗi cho các nhóm tôn giáo, dân tộc hoặc bộ lạc thù địch, làm dấy lên sự nghi ngờ vốn đã tồn tại sâu sắc trong cộng đồng, cảnh sát Poddar giải thích.

"Việc đám đông cư xử như vậy không phải sự cố do mất lý trí tập thể. Những người đó biết rằng mình được bảo vệ phía sau một đám đông, có thể không được nhận dạng, nên lợi dụng để gây ra những hành vi không thể chấp nhận được trong bất cứ xã hội văn minh nào", Poddar cho biết.

Bằng cách tấn công tập thể, đám đông trên đường có lợi thế giống như khi công kích ai đó qua mạng, đó là được ẩn danh. Poddar đang cố gắng thay đổi điều này. Anh sử dụng camera an ninh để xác định những kẻ tấn công, đồng thời đe dọa bỏ tù bất cứ ai lan truyền những tin nhắn dễ gây kích động.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu WhatsApp chặn những tin nhắn như vậy. Công ty này phản hồi bằng cách đưa ra tính năng mới giúp xác định những nội dung đã được chuyển tiếp, nhằm xác định nguồn gốc tin nhắn.

"Giờ đây điều quan trọng nhất là giúp mọi người hiểu rằng WhatsApp không phải nguồn tin tức. Đó không phải một tờ báo, cũng không phải kênh thông tin", Pankaj Jain, người điều hành trang web Hoax Slayer giúp xóa các tin tức giả trên mạng, nhận định.

Jain cho biết ông nhận được 20 - 30 yêu cầu từ công chúng mỗi ngày nhằm kêu gọi điều tra những tin đồn và video đáng ngờ trên mạng. Ông đã xóa những video bắt cóc xuất hiện ngày càng nhiều tại Ấn Độ và phát hiện một số cảnh quay gây phẫn nộ không liên quan đến nước này, mà xảy ra tại Guatemala.

Với smartphone và dịch vụ mạng ngày càng rẻ và phổ biến hơn, Jain cho biết các tin đồn trực tuyến đang tăng lên gấp bội tại Ấn Độ. Ông dự đoán xu hướng này thậm chí phát triển hơn vào năm sau.

"Bất cứ khi nào sắp bầu cử, các tin tức giả bắt đầu lan truyền rất nhiều. Vì vậy, rõ ràng chúng sẽ tăng lên vào năm 2019", Jain đề cập tới cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ năm sau.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
103007
Số người truy cập:
7715596