Cuộc sống bấp bênh ở chiến tuyến liên Triều

Đụng độ đã cách đây 7 năm. Súng đạn từ các tàu chiến trong cuộc giao tranh kéo dài 2 giờ đồng hồ bắn sát sạt cửa sổ nhà ông, khiến Kim và vợ phải đi trốn. Với tình hình căng thẳng dạo này, kể từ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt, Kim và những người hàng xóm đang lo sợ một trận thủy chiến mới sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào trên hòn đảo nhỏ Yeonpyeong, đang thuộc quyền kiểm soát của Hàn Quốc. Hòn đảo nằm ở biển Hoàng Hải ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, ngay trên đường phân chia ranh giới.

"Chúng tôi lúc nào cũng sợ, ngày nào cũng sự", ông Kim 66 tuổi, sống ngay gần một hầm ngầm trú ẩn, nói. "Nhưng rồi cũng phải quen thôi".

Ngư dân trên đảo Yeonpyeong. Phía xa là tàu hải quân mà Hàn Quốc điều đến đề phòng trường hợp có xung đột giáp lá cà trên biển. Ảnh: NYT.

Với việc tàu chiến Mỹ đang bám sát một tàu của Triều Tiên bị nghi ngờ chở vũ khí, nguy cợ đụng độ Nam - Bắc Triều đang ngày một tăng lên. Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho biết hòn đảo nhỏ này - nơi mà Bình Nhưỡng cũng tuyên bố chủ quyền - rất có thể là địa điểm xảy ra đụng độ.

Đảo Yeonpyeong chỉ cách đường ranh giới tạm thời 2 hải lý và thuộc phạm vi mở rộng trên biển của khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên. Đảo này chính là chiến trường của hai cuộc đụng độ đẫm máu giữa đôi bên trong thập kỷ qua.

Hàn Quốc đã điều một con tàu được mệnh danh là "sát thủ tuần tiễu", có trang bị tên lửa dẫn đường và được thiết kế đặc biệt phục vụ cho những cuộc chạm trán giáp lá cà trên biển. Tàu Yoon Young-ha được đặt theo tên của một trong 6 thủy thủ đã chết trong cuộc chiến với hải quân miền Bắc năm 2002 - trận chiến mà miền Bắc thắng.

Đảo Yeonpyeong (chấm tròn màu đỏ) trên bản đồ. Đồ họa: NYT.

Với lực lượng 1.000 thủy quân lục chiến đang trong tình trạng báo động cao đóng trên đảo, Hàn Quốc dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến. Trong lễ kỷ niệm 10 năm cuộc hải chiến đầu tiên trên đảo, sĩ quan chỉ huy Kwon Young-il thề rằng nếu miền Bắc lại tấn công, hải quân miền Nam sẽ "nhấn chìm họ".

Hầu hết trong số 1.600 thường dân sống ở đây đều đã qua tuổi trung niên và làm nghề đánh cá, nói rằng họ bị kẹt giữa hai làn đạn. Nhưng họ cũng quen dần với những căng thẳng thường kỳ, và coi đó như một phần tất nhiên của cuộc sống ở đảo. Những ngư dân này nói rằng họ vẫn quyết tâm đi làm mỗi ngày, với công việc là câu cua hoặc thả lưới dọc những vách đá dốc đứng ven đảo.

"Đây chẳng phải lần đầu tiên Triều Tiên thử tên lửa và bom", Kim Seung-ju, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp trên đảo, nói. "Chuyện đó không làm chúng tôi đau đầu".

Trên thực tế, với vô số hầm tránh bom bằng bê tông, hầm chống tăng, công sự, hòn đảo nhỏ giống như một chiến trường thời chiến tranh lạnh. Cư dân ở đây mỗi tháng đều luyện tập tránh oanh kích một lần, trong nhà họ luôn có mặt nạ phòng độc. Các poster dán trong những nhà hàng khuyến cáo thực khách cảnh giác với thuyền và tàu ngầm của tình báo Triều Tiên. Kể từ hôm Triều Tiên thử hạt nhân, 19 căn bongke trên đảo được chất đầy nước ngọt và mì gói. Du khách thăm đảo đều phải qua sự kiểm tra an ninh kỹ lưỡng của các sĩ quan quân sự, đề phòng sự đột nhập của các điệp viên Triều Tiên.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc trên đảo tranh chấp. Ảnh: NYT.

Trong khi cuộc sống của người Hàn Quốc vẫn diễn ra sôi động bình thường, bầu không khí ở Yeonpyeong hiện rõ sự căng thẳng. Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất, các ngư dân ở đây cho hay, là nhiều tàu bắt cua của Trung Quốc đã rời đi. Tuy nhiên họ cũng không chắc lắm nguyên nhân của việc này là do người Trung Quốc được cảnh báo, hay do mùa cua đã qua.

Tuy vậy, ngư dân và quân nhân ở trên đảo đánh giá tình hình hiện nay không nguy cấp bằng hồi những năm 1970, khi miền Bắc quyết giành chủ quyền hòn đảo và đã cho các máy bay chiến đấu lượn trên không. Ngày nay, phía Hàn Quốc tự tin hơn vào sức mạnh quân sự của mình.

"Chúng tôi có vũ khí hiện đại", trung tướng về hưu Kim In-sik, cựu chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc trên đảo này nói. "Nhưng cũng không loại trừ khả năng miền Bắc sẽ tấn công khu vực này để tăng áp lực, bởi đó là chiến lược mặc cả với Seoul và Washington".

Ông Kim chủ nhiệm hợp tác xã thì đoán rằng cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ông và các cư dân cho là mối nguy hiểm ở đây thường bị thổi phồng, khiến du khách e sợ không dám đến và làm cho thân nhân những người trên đảo hay phải hoảng hốt điện thoại hỏi thăm.

Nhiều người thậm chí còn nói rằng "những kẻ xâm lược" duy nhất mà họ thấy là đội quân phóng viên và quay phim, cứ đổ bộ lên đảo mỗi khi có căng thẳng với miền Bắc.

"Mỗi khi thấy đoàn quay phim, chúng tôi biết ngay là đang có chuyện gì đó", Park Choon-geun, 49 tuổi, thuyền trưởng một tàu bắt cua, nói. "Còn nói chung, tôi nghĩ cuộc sống vẫn ổn thôi".

T. Huyền (theo NYT)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2391
Số người truy cập:
9266301