Cuộc chiến giành quyền tại ngoại của giám đốc tài chính Huawei

 

Tranh phác thảo khoảnh khắc Mạnh Vãn Chu (trái) trao đổi với luật sư David Martin khi ra điều trần trước tòa án Canada. Ảnh: Canadian Press.

Tranh phác thảo khoảnh khắc Mạnh Vãn Chu (trái) trao đổi với luật sư David Martin khi ra điều trần trước tòa án Canada. Ảnh: Canadian Press.

Thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada hôm 10/12 chủ trì phiên điều trần thứ hai để xem xét điều kiện bảo lãnh cho giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị bắt hôm 1/12 và đang chờ bị dẫn độ về Mỹ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp nước này. Phiên điều trần này được ví như một "cuộc chiến", nơi luật sư của bà Mạnh tìm mọi cách thuyết phục thẩm phán cho phép bà tại ngoại trong thời gian xem xét việc dẫn độ, theo VancouverSun.

Quyết tâm của David Martin, luật sư bảo vệ bà Mạnh, lần này rất cao, bởi trong phiên điều trần đầu tiên hôm 7/12, tòa án đã bác bỏ các lập luận của ông về việc cho thân chủ tại ngoại vì lý do sức khỏe cũng như số tiền bảo lãnh hàng triệu USD. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã gửi cảnh báo cho phía Canada về việc bà Mạnh sở hữu tới 7 cuốn hộ chiếu và có nguy cơ bỏ trốn về Trung Quốc rất cao.

Trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí và nhiều Hoa kiều ở Vancouver, bà Mạnh trong bộ trang phục màu xanh từng mặc ở phiên điều trần trước cố giữ sắc mặt tươi tỉnh khi được áp giải vào tòa. Bà trao đổi ngắn gọn với Martin và các luật sư khác, trước khi ngồi vào khu vực bị cáo cùng với một phiên dịch viên tiếng Trung. Mọi thiết bị ghi hình, chụp ảnh đều bị cấm trong phiên tòa, nên các diễn biến chỉ có thể được phác họa nhờ khả năng của các họa sĩ.

Phiên tòa bắt đầu với việc luật sư Martin nói với thẩm phán rằng ông sẽ mời hai nhân chứng ra trước tòa để trình bày về các biện pháp giám sát nếu bà Mạnh được bảo lãnh và quản thúc tại gia, nhằm loại trừ mọi mối lo ngại về việc bà sẽ bỏ trốn. Khi được thẩm phán hỏi liệu thân chủ giàu có của ông có sẵn sàng chi trả cho các biện pháp giám sát nếu được tại ngoại hay không, Martin khẳng định bà Mạnh sẽ trang trải mọi chi phí này.

Người đầu tiên được mời ra tòa trình bày là Scott Filer, tổng giám đốc công ty quản lý rủi ro Lions Gate, người từng phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada. Filer cho hay công ty của ông cung cấp nhiều loại hình dịch vụ an ninh và có tổng cộng 17 nhân viên toàn thời gian cùng 140 cộng tác viên. Công ty an ninh tư nhân này sẵn sàng thực hiện việc giám sát bà Mạnh theo yêu cầu của tòa nếu bà được tại ngoại.

Filer tiết lộ công ty Lions Gates được người của bà Mạnh liên hệ từ tuần trước, yêu cầu họ xây dựng kế hoạch giám sát. Ông đã gặp bà Mạnh cùng người thân và luật sư, cũng như tới thăm căn biệt thự trên đường West 28 ở Vancouver, nơi bà sẽ bị quản thúc khi được tại ngoại, đồng thời khẳng định Lions Gate không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc cung cấp dịch vụ an ninh cho bà Mạnh.

"Không thể nào đảm bảo được 100%, bởi an ninh không phải là một lĩnh vực khoa học chính xác, nhưng chúng tôi có thể cung cấp các biện pháp an ninh thích hợp", Filer nói. "Chúng tôi có thể xây dựng một kế hoạch để kiểm nghiệm".

Kế hoạch được Filer trình lên tòa gồm một lớp bảo vệ bằng công nghệ và một lớp "con người", gồm một đội an ninh luôn kè kè bên bà Mạnh trong mọi sinh hoạt thường ngày. Phương án mà công ty an ninh tư nhân này đề xuất là chia ba ca trực, mỗi ca kéo dài 8 tiếng mỗi ngày gồm hai nhân viên bảo vệ, một xe an ninh và nhiều thiết bị kỹ thuật khác. Với phương án này, bà Mạnh sẽ bị giám sát chặt chẽ nhưng vẫn có thể di chuyển ở thành phố Vancouver và Richmond cũng như một số vùng ở phía bắc Vancouver.

Tuy nhiên, công tố viên John Gibb-Carsley của Bộ Tư pháp Canada khẳng định trước tòa rằng Lions Gate từ trước tới nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ lãnh đạo doanh nghiệp, chưa từng tiến hành hoạt động giám sát nghi phạm được tại ngoại nào. Filer cũng thừa nhận đây là lần đầu tiên công ty của ông được yêu cầu giám sát người được bảo lãnh.

Gibb-Carsley còn chỉ ra rằng hệ thống thông tin liên lạc của Lions Gate được mã hóa theo tiêu chuẩn của quân đội Canada nhưng lại sử dụng các mạng di động sẵn có để trao đổi thông tin. Filer không thể đảm bảo rằng các biện pháp giám sát kỹ thuật và hệ thống liên lạc của công ty ông sẽ không bị xâm nhập và vô hiệu hóa.

Cảnh sát tịch thu điện thoại của người tham dự có hành vi chụp ảnh tại phiên điều trần hôm 7/11. Ảnh: PNG.

Cảnh sát tịch thu điện thoại của người tham dự có hành vi chụp ảnh tại phiên điều trần hôm 7/12. Ảnh: PNG.

Sau giờ nghỉ, luật sư Martin mời nhân chứng thứ hai là Stephen Tan đến từ công ty Recovery Science chuyên cung cấp các thiết bị GPS giám sát. Tan cho biết công ty của ông đã cung cấp vòng đeo GPS cho hơn 500 người và đang giám sát 113 người được bảo lãnh tại ngoại. Ông khẳng định sẽ không có bất cứ rắc rối nào xảy ra khi bà Mạnh được tại ngoại, bởi Recovery Science có khả năng giám sát mọi động tĩnh của bà trong khu vực quy định.

Theo ông, nếu bà Mạnh đeo vòng GPS và đi ra khỏi khu vực giám sát, Recovery Science sẽ nhận được thông báo ngay lập tức và phản ứng một cách nhanh chóng. Báo động cũng sẽ được gửi tới các nhân viên bảo vệ của Filer thông qua tin nhắn và email.

Khi bị công tố viên Gibb-Carsley chất vấn, Tan thừa nhận việc giám sát bằng GPS sẽ không thể tự nó ngăn chặn được nghi phạm di chuyển. Vòng giám sát đã được công ty kiểm nghiệm, nhưng không thể đảm bảo chắc chắn rằng nó sẽ không bị vô hiệu hóa. Ông cho biết đã từng có vụ một nghi phạm đeo vòng GPS của công ty chạy trốn và đến nay vẫn chưa bị bắt lại.

Luật sư Martin sau đó biện luận rằng bà Mạnh cần được tại ngoại vì bà là người có nhân cách tốt, là một phụ nữ trọng phẩm giá. "Thân chủ của tôi là người rất tôn trọng việc thượng tôn pháp luật", ông khẳng định.

Ông nói rằng bà Mạnh có lý lịch "không tì vết", là một "lãnh đạo xã hội" cũng như một tấm gương sáng ở đất nước Trung Quốc, nên sẽ không bao giờ vi phạm bất cứ quy định tại ngoại nào của tòa và sẽ không bỏ trốn khỏi Canada.

Sau giờ nghỉ trưa, thẩm phán hỏi luật sư Martin về việc Lưu Hiểu Tông, chồng của bà Mạnh, có đủ tư cách để đứng ra bảo lãnh cho vợ hay không, bởi ông không phải là công dân Canada. Martin cho rằng ông Lưu từng là thường trú nhân ở tỉnh British Columbia trong ba năm và đang ở Canada theo diện thị thực du lịch trong vòng 6 tháng. Để bảo lãnh cho vợ, ông Lưu có thể xin gia hạn visa hoặc xin thị thực diện người bảo trợ cho một người con đang du học ở Canada.

Công tố viên Gibb-Carsley tiếp tục nhắc lại quan điểm của mình rằng bà Mạnh "không có mối liên hệ ý nghĩa" với thành phố Vancouver, bởi bà chỉ đến đây 2-3 tuần mỗi năm để nghỉ dưỡng. Bà từng được Canada cấp thẻ thường trú nhân nhưng đã hết hạn từ cách đây 9 năm, còn chứng minh thư tỉnh British Columbia cấp cho bà cũng đã hết hạn từ 12 năm trước và trong thư giới thiệu của bà không có bất cứ người nào đang sống ở Canada.

Thẻ thường trú nhân Canada cấp cho bà Mạnh hết hạn từ tháng 7/2009. Ảnh: VancouverSun.

Thẻ thường trú nhân Canada cấp cho bà Mạnh hết hạn từ tháng 7/2009. Ảnh: VancouverSun.

Sau phiên tranh luận, thẩm phán kết luận rằng ông chưa thể đưa ra quyết định cho bà Mạnh tại ngoại trong phiên điều trần này và sẽ tiếp tục xem xét phương án bảo lãnh trong phiên điều trần tiếp theo. Trong thời gian đó, bà Mạnh vẫn phải tiếp tục bị giam tại Vancouver.

Bên ngoài tòa án, đông đảo Hoa kiều tập trung để đòi tòa án cho bà Mạnh tại ngoại, đồng thời phản đối "hành động bẩn thỉu" của Mỹ khi yêu cầu Canada bắt bà. Ada Yu, người gốc Hoa đang sống ở Vancouver, cho rằng Mỹ không có đủ chứng cứ để buộc tội bà Mạnh và khẳng định đây là một vụ bắt người mang động cơ chính trị, vi phạm quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc.

Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Canada bắt tại sân bay Vancouver hôm 1/12 theo lệnh tòa án được ký một ngày trước đó, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ bà lừa dối các ngân hàng quốc tế nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran.

Tòa án Canada trong thời gian tới sẽ tổ chức nhiều phiên điều trần về việc có dẫn độ bà về Mỹ hay không và bà Mạnh có thể nộp đơn kháng cáo nếu thẩm phán chấp nhận việc đưa bà tới Mỹ để xét xử theo yêu cầu của Bộ Tư pháp nước này. Tiến trình đó có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm khi đội ngũ pháp lý của bà Mạnh sẽ tìm mọi cách để bảo vệ thân chủ của mình trước nguy cơ bị xét xử ở Mỹ. Trong trường hợp bà Mạnh bị dẫn độ về Mỹ và bị kết tội lừa gạt các tổ chức tài chính vi phạm lệnh cấm vận với Iran, bà có thể phải ngồi tù tới 30 năm.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
61550
Số người truy cập:
7668896