Chính phủ các nước tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng bệnh. Riêng tại Mỹ,Tổng thống Barack Obama vừa yêu cầu Quốc hội chi bổ sung 1,5 tỷ USD để chống cúm lợn khi virut cúm này đã được phát hiện ở 6 bang và các bác sĩ cảnh báo nó có thể thành đại dịch.
Theo WHO, chưa nhất thiết phải hạn chế việc di chuyển, đi lại từ nước này sang nước khác. Nhưng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần hợp tác để sớm tìm ra một loại vacxin. Một chuyên gia Nga cho biết vacxin chống cúm lợn có thể được phát triển trong 6 tháng nữa. Trước đó, các quan chức WHO cũng nói để có vacxin phòng cúm lợn phải mất từ 4 đến 6 tháng.
Hai kịch bản có thể xảy ra
Theo giới quan sát, việc WHO nâng mức báo động cho thấy nguy cơ của một đại dịch ngày càng lớn. Tình trạng này chưa phải là vô phương cứu chữa, nhưng thế giới đang đứng trước hai tình huống có thể xảy ra: một là virut cúm lợn bớt lây lan và như vậy dịch cúm sẽ giảm cường độ, hai là virut này biến dạng, trở nên độc hại hơn và từ đó có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, Chính các quan chức y tế thế giới cũng phải thừa nhận họ gần như bất lực trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và không loại trừ kịch bản thứ hai có thể xảy ra.
Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại, vì theo giới chuyên gia, dịch cúm tại Mexico, nơi xuất phát dịch cúm, vẫn chưa lên tới cao điểm. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm ca tử vong trong những ngày tới. Người ta lo ngại là các vùng địa phương Mexico do không có đủ thiết bị y khoa và phòng xét nghiệm, nên càng khó phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh cũng như xác định nguyên nhân gây tử vong.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virut cúm lợn ban đầu được phát hiện ở Mexico đều ở miền trung nước này, nhưng đến nay đã xuất hiện ở khắp nơi trên đất nước. Ở những thành phố biên giới lớn như Juarez, nơi người dân sống chen chúc trong các khu dân cư nghèo, dịch cúm có thể sẽ nhanh chóng lây lan.