Cục trưởng Điện ảnh: Chưa cần thiết in lại 300 phim nhựa hỏng

 Cuối tháng 3, khoảng 20 nghệ sĩ, nhân viên Hãng Phim truyện Việt Nam gửi đơn kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về gần 300 phim ở kho bị hư hỏng nặng, trong đó có các tác phẩm kinh điển. Họ đề nghị Bộ nghiên cứu chuyên sâu về thiệt hại, đưa ra hướng xử lý. Nhiều người cho rằng phương án tối ưu là công ty Vivaso - hiện là nhà đầu tư chiến lược, nắm 65% cổ phần hãng phim - in lại toàn bộ bản bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và chuyển cho Chính phủ quản lý.

Tối 1/4, trên báo Văn Hóa - cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành phản hồi vấn đề. Ông nói thấu hiểu tâm trạng bức xúc của nghệ sĩ, nhưng nhận định việc kiến nghị Vivaso in lại toàn bộ phim theo tiêu chuẩn quốc tế là "chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn và không phù hợp quy định của Luật Điện ảnh".

Bản gốc phim Đêm hội Long Trì được lưu trữ tại kho của Viện Phim Việt Nam. Ảnh: Viện Phim

Theo Luật Điện ảnh 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị sản xuất, không phải cơ sở lưu trữ. Luật quy định Viện phim Việt Nam là cơ sở duy nhất lưu trữ phim ngành văn hóa.

Những phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh Cách mạng khi tạm lưu ở hãng là những bản phục vụ nhiệm vụ sản xuất. Với đặc thù phim nhựa, mỗi phim có bản gốc negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình. Sản xuất xong, một bản positive được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, một bản lưu ở Viện phim. Sau thời hạn lưu chiểu, bản tại Cục Điện ảnh được đưa về Viện.

"Hiện nay, các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị", ông Thành cho biết.

Ông Vi Kiến Thành nhận định Vivaso phải có trách nhiệm giữ kho phim. "Những cuốn phim này đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, phải có các chuyên gia kỹ thuật chăm sóc chứ không thể bỏ bẵng như thế. Nếu hãng phim coi những bản phim này là tài sản, nhất thiết phải có kế hoạch và phương án bảo quản. Phim nhựa lâu năm nhưng tồn tại trong bối cảnh không có điều hòa, không được hút ẩm thường xuyên thì hỏng hóc là điều chắc chắn", ông Thành nói.

Cuối năm ngoái, biên kịch Phương Dung cho biết cùng đạo diễn Thanh Vân vào kho của hãng kiểm tra, sốc khi thấy điều hòa hỏng, nhiều thước phim chảy nước, ẩm mốc. Họ đề nghị lãnh đạo Vivaso sửa máy lạnh nhưng những người này lơ đi. Sau đó, nhóm nghệ sĩ đề nghị được góp tiền sửa chữa điều hòa nhưng không được chấp thuận.

Họ cũng cho rằng việc bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nói 300 phim ở hãng "chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện phim" trong cuộc họp hôm 24/3 là không chính xác. Theo các nghệ sĩ, phim ở kho là một trong hai bản gốc còn lại và là bản hoàn chỉnh nhất về định màu, ánh sáng.

Sáng 31/3, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (tên trên giấy tờ của Hãng Phim truyện Việt Nam) - cho biết: "Chúng tôi không được giao nhiệm vụ và cũng không đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật để lưu trữ các cuộn phim nhựa lâu dài. Việc lưu giữ các cuốn phim này của công ty nhằm mục đích kinh doanh, phổ biến phim theo chức năng. Những tác phẩm này trước đây đã được chiếu nhiều lần, hiện không đủ chất lượng để chiếu và cũng không còn nơi nào sử dụng máy chiếu phim nhựa. Công ty đã chuyển toàn bộ phim thành dạng file để lưu giữ tại các ổ cứng".

Ông Thắng nói thêm kho của Hãng Phim truyện là tài sản thông thường để khai thác, không phải di sản hay tài liệu quý của Nhà nước cần bảo tồn. Việc bảo tồn bản gốc thuộc trách nhiệm của Viện Phim Việt Nam.

Kho phim bị ẩm mốc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Đạo diễn Thanh Vân

Ngoài kho phim, các nghệ sĩ nhắc lại nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất trong quá trình cổ phần hóa, khiến đơn vị bị bỏ hoang. Nhiều người cho biết mong chờ kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ trước ngày 25/4, với hy vọng mở ra tương lai cho hãng. Trước mắt, họ mong muốn vấn đề thoái vốn của Vivaso được giải quyết dứt điểm, được đóng nối bảo hiểm sau những năm bị cắt quyền lợi. Ngoài ra, họ kỳ vọng đơn vị tiếp quản hãng có định hướng rõ ràng, tạo công ăn việc làm cho các nghệ sĩ.

Một góc trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.

Năm 2016, hãng chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hãng hiện mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất, khiến nghệ sĩ của hãng nhiều lần kiến nghị.

Hà Thu - Hiểu Nhân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
66285
Số người truy cập:
7880017