Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm tàu của Cảnh sát biển Việt Nam hồi cuối tháng 5. Đây được coi là một dấu mốc "ngoài sức tưởng tượng" trong hợp tác an ninh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Việt Nam
Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, cùng Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên nghiên cứu về quan hệ Việt - Mỹ tại Đại học Maine, trao đổi với VnExpress về những tiến triển đặc biệt trong hợp tác Việt - Mỹ nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
- Ông đánh giá chung về hợp tác Việt - Mỹ như thế nào?
- Ông Hiebert: Tôi bắt đầu quan tâm đến quan hệ Việt Nam và Mỹ từ năm 1990. Khi bạn theo dõi trong một quãng thời gian dài như vậy, bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên về mức độ tiến xa trong hợp tác của hai nước. Dường như mỗi ngày có một bước tiến nhỏ nhưng đó thực sự là một chặng đường dài. Hiện Việt - Mỹ có đối thoại ở cấp chính phủ về nhiều vấn đề gai góc, gồm cả nhân quyền, hợp tác nhiều hơn về quân sự, an ninh và chia sẻ mối quan tâm chung ở Biển Đông. Hai bên cũng trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, nhờ đó thảo luận sâu sắc. Với tôi, theo dõi tiến trình này rất thú vị.
Hai nước từng có quá khứ cay đắng, ở Mỹ có hội chứng Việt Nam và ngược lại ở Việt Nam có hội chứng Mỹ. Tôi cho rằng thế hệ trẻ của cả hai nước đều muốn trở thành bạn của nhau và về cơ bản đặt quá khứ lại phía sau. Tôi mới biết một con số điều tra rất thú vị từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam là gần 90% người Việt được hỏi có cái nhìn lạc quan về Mỹ. Con số rất đáng chú ý.
- Ông Long: Tôi cho rằng quan hệ Việt - Mỹ trong các năm gần đây càng ngày càng được cải thiện và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục và thương mại.
- Nói riêng về hợp tác an ninh - quốc phòng, nhận xét của ông là gì?
- Ông Hiebert: Nếu như những năm 1990 Việt - Mỹ chủ yếu hợp tác về tìm kiếm binh lính mất tích trong chiến tranh (MIA) thì hiện nay dần dần có các chuyến thăm Việt Nam của tàu hải quân Mỹ, diễn tập chung về tìm kiếm và cứu hộ trên biển. Thậm chí trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter còn tới thăm một tàu tuần duyên của Việt Nam ở Hải Phòng, điều khó xảy ra hồi năm 1995.
Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam đào tạo quân đội, lực lượng gìn giữ hòa bình. Việt - Mỹ chia sẻ nhiều về những diễn biến đang xảy ra ở Biển Đông. Mỹ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, cùng với các nước khác như Nhật Bản.
Thành thực mà nói, tôi cho rằng Mỹ đang rất sẵn sàng tiến xa hơn và nhanh hơn với Việt Nam trong hợp tác an ninh và quốc phòng.
- Ông Long: Từ năm 2002 đến năm 2003, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đã bắt đầu với những cuộc gặp gỡ để trao đổi. Năm 2003 Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà đã sang Mỹ để bàn việc hợp tác an ninh song phương và trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2005 Mỹ mới thấy tầm quan trọng trong việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Tổng thống George W. Bush đã mời Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã ký một số thoả thuận về hợp tác quốc phòng và an ninh.
- Những điểm nào là đáng chú ý hơn cả trong sự tiến triển về hợp tác an ninh giữa hai nước?
- Ông Hiebert: Hai bên bắt đầu thúc đẩy hợp tác an ninh khoảng năm 2009 - 2010, khi Trung Quốc "hoạt động tích cực" hơn ở Biển Đông. Tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) tại Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có phát biểu mạnh mẽ về các hoạt động của Bắc Kinh Đông. Hợp tác Việt - Mỹ về an ninh hiện nay là rất đáng ngạc nhiên sau những gì xảy ra cách đây 40 năm.
- Ông Long: Trước năm 2010, hợp tác an ninh Việt Nam và Mỹ chủ yếu là tìm hiểu, kết quả quan trọng ban đầu là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008. Tháng 10 năm đó, hai bên có cuộc họp song phương đầu tiên về Đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng.
Từ năm 2010 đến nay, hợp tác hai bên càng mật thiết hơn trên nền tảng bảo vệ lợi ích và an ninh chung. Trước sự đe doạ của Trung Quốc đối với an ninh khu vực và sự thách thức đối với Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chính sách “xoay trục”, còn gọi là tái cân bằng về khu vực châu Á Thái Bình Dương. Năm 2010, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã nói thẳng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì là an ninh ở khu vực nằm trong lợi ích của Mỹ.
- Theo ông nguyên nhân chính khiến Việt - Mỹ ngày càng tăng cường hợp tác về an ninh là gì?
- Ông Hiebert: Chính các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Việt Nam và Mỹ quan tâm đến nhau hơn. Nếu Bắc Kinh không có những hành động gây hấn ở Biển Đông thì Việt Nam và Mỹ sẽ bớt ưu tiên hơn trong thúc đẩy hợp tác với nhau. Việt Nam nhận ra rằng họ cần sự trợ giúp, còn Mỹ nhận ra mình cần hỗ trợ các nước như Việt Nam và Philippines.
- Ông Long: Lý do chính mà Việt - Mỹ tăng hợp tác là để bảo vệ quyền lợi của hai nước nói riêng, và sự phát triển của toàn khu vực nói chung. Không có an ninh thì khó có thể phát triển bền vững được. An ninh trên toàn khu vực Biển Đông đang bị Trung Quốc đe doạ với các căn cứ quân sự mà họ đã thành lập ở Hoàng Sa và Trường Sa và những hành động lấn chiếm khác. Trung Quốc cũng nỗ lực tạo ảnh hưởng ở một số nước Đông Nam Á nhằm đẩy dần sự hiện diện của Mỹ ra khỏi khu vực. Do đó, việc củng cố quan hệ Việt - Mỹ rõ ràng là cần thiết.
- Mỹ sẽ thể hiện cam kết của mình đến mức nào, về bảo đảm hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai gần?
- Ông Hiebert: Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ về hoạt động cải tạo của họ ở Biển Đông, thậm chí còn điều máy bay tuần tra đến gần khu vực này. Tuy nhiên Mỹ và Trung Quốc có một mối quan hệ phức tạp, họ là đối tác thương mại lớn của nhau, hợp tác về các vấn đề an ninh liên quan đến Triều Tiên, Afghanistan, trao đổi các vấn đề ở các cuộc họp của Liên Hợp Quốc, về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tôi không nghĩ Mỹ hay Trung Quốc muốn có chiến tranh.
Nhiều người tôi gặp ở Việt Nam đều hỏi tôi Mỹ sẽ làm gì? Tôi muốn đặt lại vấn đề: Các bạn muốn chúng tôi làm gì? Mỹ không muốn chiến tranh vì điều đó gây hại đến toàn bộ khu vực, kể cả Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta cần kiểm soát đối thoại với Bắc Kinh, gây áp lực để khiến họ thay đổi quan điểm. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm ra cách để Trung Quốc cư xử tuân theo các quy tắc quốc tế, nhất là Công ước năm 1982 của LHQ về luật biển (UNCLOS).
Ở một khía cạnh nhất định, nhiều nước ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar đang tiến gần đến với Mỹ hơn, sau khi Bắc Kinh có nhiều hoạt động trên Biển Đông. Trung Quốc đáng ra phải nhận thấy điều này.
- Ông Long: Biển Đông là nơi có lượng lớn hàng hóa thế giới đi qua. Việc bảo đảm hoà bình và tự do hàng hải qua Biển Đông là lợi ích cốt lõi đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc. Mỹ là nước có sức mạnh quân sự và hải quân lớn nhất trên thế giới nên Mỹ phải có trách nhiệm giúp bảo đảm hoà bình và tự do hàng hải trong khu vực. Mỹ không thể để Trung Quốc, tuy là một bạn hàng lớn nhất nhì với Mỹ, tiếp tục đe doạ an ninh của toàn khu vực. Nếu Mỹ không có thái độ dứt khoát và cứng rắn với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rêu rao Mỹ là “con hổ giấy,” qua đó làm mất uy tín cũng như sự tin cậy đối với Mỹ của các nước trong và ngoài khu vực.
- Việc Trung Quốc sắp hoàn thành việc cải tạo và sẽ xây dựng hạ tầng lưỡng dụng ở Trường Sa ảnh hưởng như thế nào đến bức tranh an ninh khu vực?
- Ông Hiebert: Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ có một tổ hợp cơ sở hạ tầng ở Biển Đông, gồm cả dân sự và quân sự. Một số chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ thiết lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ). Trung Quốc có gây sức ép thêm với các nước cùng tranh chấp như Việt Nam và Philippines hay không, đó thực sự là câu hỏi lớn.
- Ông Long: Trung Quốc công bố là đã hoàn thành việc cải tạo ở Trường Sa chứ không nói gì đến việc đã hoàn thành xây dựng các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo đó. Đây chỉ là cách nói mập mờ, theo kiểu “một bước lùi hai bước tiến,” để đánh lạc hướng dư luận Mỹ và thế giới.
Việt Nam là nước bị đe doạ và thiệt hại lớn nhất trước những hành động của Trung Quốc nên Việt Nam cần phải lên tiếng rõ ràng để các nước khác vận động sự ủng hộ của đông đảo quần chúng trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích chung.
- Theo ông, năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ này nên được ghi nhớ với dấu ấn gì sâu sắc?
- Ông Hieber: Chúng ta cần thúc đẩy rất nhiều vấn đề cụ thể. Quan hệ đã tiến xa tới mức này, chúng ta đã có những thành tựu có tính bước ngoặt, đó là bình thường hóa năm 1995, thiết lập Đối tác toàn diện năm 2013 và chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao trong năm nay. Có rất nhiều đang diễn ra trên thực tế, tôi không trông đợi về một "cú hích lớn". Có những điều đơn giản mà rất ý nghĩa, như đường bay thẳng chẳng hạn.
- Ông Long: Thành tựu lớn nhất mà hai nước có thể đạt được là xem nhẹ các vấn đề ý thức hệ và nhấn mạnh việc phát triển lợi ích chung.
Theo VnExpress