Bộ trưởng 11 quốc gia thành viên (bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định tại Chile ngày 9/3. Đây là một trong những Hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát đi tín hiệu chống chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định CPTPP với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia.
Sau khi ký kết, CPTPP cần phải được thông qua tại ít nhất 6 trong số 11 nước thành viên thì mới chính thức có hiệu lực.
Với dân số gần 500 triệu người, 11 nước thành viên của CPTPP đóng góp tổng cộng 10.000 tỷ USD, tức hơn 13%, GDP toàn cầu và là một trong 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất hành tinh.
Con đường của CPTPP rất gập ghềnh và gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán. Tiền thân của CPTPP là TPP đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ đầu năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức. 11 nước còn lại đã nỗ lực hồi sinh hiệp định, đổi tên thành CPTPP và hoàn tất thỏa thuận sửa đổi vào tháng 1/2018.
----------------------------------------------
Nguồn: VOV, tuoitre.vn