Sau lệnh cấm với 54 ứng dụng và trò chơi Trung Quốc như Garena Free Fire, CuteU Pro, Isoland 2: Ashes of Time Lite, Rise of Kingdom, SmallWorld..., Liên minh Thương nhân Toàn Ấn Độ (CAIT) tiếp tục kêu gọi chính phủ nước này ban hành thêm lệnh cấm với Shopee.
"Thật ngạc nhiên khi Shopee lại không có trong danh sách ứng dụng bị cấm, mặc dù nó có cùng công ty mẹ với Garena Free Fire và thuộc sở hữu của công ty Tencent", Tổng thư ký CAIT Praveen Khandelwal đăng dòng bình luận trên lên Twiteer kèm hashtag "#BanChineseShopee".
Với ông Praveen Khandelwal, Shopee "là công ty Trung Quốc". Garena Free Fire thuộc sở hữu của Sea có trụ sở tại Singapore và Tencent là cổ đông lớn. Sea tự giới thiệu mình là công ty internet tiêu dùng toàn cầu được thành lập tại Singapore. Bóng dáng của Tencent không chỉ xuất hiện ở việc rót vốn đầu tư mà nhiều công nghệ cốt lõi của Shopee được cho là gắn chặt với công ty đến từ Trung Quốc. Gần đây, Tencent Cloud đưa ra thông cáo báo chí và đề cập rõ Shopee sử dụng bộ giải pháp âm thanh và video trực tiếp của họ.
The Economic Times dẫn thông cáo từ Tencent Cloud vào tháng 3 năm ngoái cho biết, các chương trình hỏi đáp và phát sóng trực tiếp thương mại điện tử của Shopee Live được thực hiện cùng lúc, nhờ tài nguyên mà Tencent Cloud cung cấp.
Tổng thư ký CAIT Praveen Khandelwal lo lắng dữ liệu người tiêu dùng đang được hợp nhất ở Trung Quốc thông qua các ứng dụng. Ấn Độ cần phải có một cái nhìn toàn diện, nếu không, về lâu dài nước này sẽ giao các doanh nghiệp triển vọng vào tay người nước ngoài.
Trong một bức thư trước đó gửi Bộ Tài chính và Bộ Thương mại nước này, CAIT tuyên bố rằng Shopee đã thâm nhập vào Ấn Độ theo "cấu trúc phức tạp" để "lừa đảo" chính phủ, vi phạm các quy định pháp luật.
Bên ngoài trụ sở của Shopee ở Singapore, tháng 5/2021. Ảnh: Reuters
Shopee đã đổ bộ thị trường Ấn Độ vào năm ngoái một cách lặng lẽ. Đến nay, nó có hơn 35.000-40.000 đơn đặt hàng mỗi ngày. Theo Moneycontrol - trang tin điện tử về tài chính lớn nhất Ấn Độ, chỉ trong thời gian ngắn, Shopee đã tăng gấp đôi quy mô hoạt động, gom về lượng đơn đặt hàng lớn.
Mỗi ngày, sàn thương mại điện tử này có 4 khung giờ siêu khuyến mãi với các mặt hàng giảm còn 3.000-60.000 đồng. Sàn này còn miễn phí vận chuyển cho khách hàng. Tuy nhiên, chiến lược này có vẻ không có lợi cho công ty khi các cáo buộc về sản phẩm giả xuất hiện ngày càng nhiều.
Ngay cả khi chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra ngay "thẻ đỏ" với Shopee, kế hoạch mở rộng tại thị trưởng tỷ dân của sàn này cũng sẽ gặp khó, chưa bàn đến việc canh trạnh với Amazon và Flipkart - hai nhà bán lẻ trực tuyến đang chiếm lĩnh thị trường. Yếu tố Trung Quốc có thể có tác động đến kế hoạch kể trên nếu chính phủ Ấn Độ nhanh chóng quay lưng và đưa ra hành động cụ thể.
Chưa tính đến chuyện Shopee bị cấm, việc Ấn Độ ra lệnh cấm với trò chơi Garena Free Fire đã giáng đòn lớn vào Sea. Reuters dẫn lời nhà phân tích Oshadhi Kumarasiri của LightStream Research cho rằng: "Lệnh cấm Free Fire có thể mang đến cho Sea hai điều tiêu cực cùng lúc khi lợi nhuận mảng giải trí kỹ thuật số thấp hơn và hạn chế khả năng của Sea trong việc cấp vốn cho sự mở rộng của Shopee".
Ông nói, lệnh cấm Free Fire có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ 78-104 triệu USD mỗi quý. Nhà phân tích này cũng cho rằng, có khả năng Ấn Độ ban hành lệnh cấm tương tự với Shopee và ảnh hưởng đến 300 nhân sự đang làm việc cùng 20.000 nhà bán hàng đang hoạt động.
Trước mắt, giá cổ phiếu Sea tại New York tuột dốc hơn 18% sau tin xấu trên, bốc hơi 16 tỷ USD vốn hóa. Tính chung từ tháng 10/2021 đến nay, cổ phiếu SEA đã đánh mất hai phần ba giá trị. Ngay sau đó, nhà sáng lập Forrest Li đã trấn an cổ đông rằng Sea đang kiểm soát được vấn đề. Ông chia sẻ với Bloomberg rằng, doanh nghiệp sẽ bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng tại Ấn Độ và trên toàn cầu. "Chúng tôi không chuyển hoặc lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào của người Ấn Độ về Trung Quốc", ông nói thêm.
Nhà sáng lập Sea - Forrest Li. Ảnh: CNBC
Theo Nikkei Asia Review, giảm ảnh hưởng từ Tencent cũng đang trở thành vấn đề chủ chốt của Sea trong chiến lược toàn cầu hóa. Ngay đầu năm nay, ban lãnh đạo đã đề xuất thay đổi cấu trúc vốn để đưa quyền biểu quyết của Tencent giảm xuống dưới 10%. Tính đến tháng 3 năm ngoái, Tencent có 23,3% và ông Forrest Li nắm giữ khoảng 38% vốn của Sea.
"Vì Sea đã mở rộng quy mô đáng kể để trở thành công ty internet tiêu dùng hàng đầu toàn cầu, nên lợi ích tốt nhất của công ty là theo đuổi các chiến lược tăng trưởng dài hạn để làm rõ hơn cấu trúc vốn của mình thông qua những thay đổi đã dự tính", lãnh đạo doanh nghiệp giải thích.
Tencent lần đầu đầu tư vào Sea từ năm 2010, chỉ một năm sau khi công ty này thành lập. Cả hai đều có chung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và trò chơi trực tuyến. Quyền kiểm soát của Tencent đã bị giảm dần trong những năm qua. Tencent có 29,1% quyền biểu quyết vào năm 2019, nhưng con số này đã giảm xuống 25,1% vào năm 2020 và 23,3% vào năm 2021, do sự pha loãng từ các đợt phát hành cổ phiếu mới.
Tiểu Gu