16h30, Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày sang thị trường châu Âu, tan ca. Ra khỏi cổng, chị Hiếu không về phòng trọ mà đạp xe tới một siêu thị gần đó nhặt chai nhựa đến tận khuya, kiếm thêm thu nhập.
"Chắc chắn một tháng nữa việc phụ này sẽ thành chính", chị Hiếu nói. Chị là một trong gần 1.200 công nhân bị công ty cắt giảm vào ngày 1/12 với lý do thiếu đơn hàng. Tính đến lúc phải chấm dứt hợp đồng, chị có gần 20 năm làm việc ở Tỷ Hùng, lương căn bản đạt 7,3 triệu đồng, tính cả tăng ca gần 10 triệu đồng. Cách đây chừng một tuần khi hay tin nằm trong số thợ bị cắt giảm đợt này, chị cùng nhiều đồng nghiệp không còn tâm trạng làm việc.
"Nhà xưởng mới xây, công việc bình thường, vậy mà đột ngột cả nghìn người phải nghỉ việc", chị Hiếu thắc mắc và không thể tin mình chỉ còn khoảng một tháng làm việc ở công ty. 23 năm trước, chị rời Nghệ An vào TP HCM mưu sinh. Trải qua vài chỗ, chị nộp đơn vào Tỷ Hùng, khi đó chỉ là xưởng giày nhỏ. Không lập gia đình, chị nhận trách nhiệm chăm sóc mẹ già và nuôi hai cháu là con của em gái đã mất. Mỗi tháng, tùy vào thu nhập chị sẽ gửi về quê 3-5 triệu đồng. Chị mất việc khiến cả "đoàn tàu" phía sau chới với theo.
"Tôi không thể thất nghiệp được", chị Hiếu nói, đưa ra dự định về Tết sớm, chuẩn bị hồ sơ xin việc, năm sau quay lại thành phố, không làm công nhân sẽ xin làm lao công, quét dọn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Nhã, 44 tuổi, thâm niên 19 năm làm việc ở Tỷ Hùng, chưa biết xoay xở ra sao khi đột ngột mất việc cuối năm. Chồng chị bị tai nạn mất sức lao động, con trai đang đi học, cha mẹ lớn tuổi, nhiều bệnh nên mọi chi tiêu trong gia đình một tay chị gồng gánh. Cả nhà 5 người trông vào suất lương 10 triệu đồng của chị.
"Quanh năm tôi chẳng dám đau ốm để nghỉ một ngày vậy mà bất ngờ mất việc", chị Nhã nói. Sốc, hoang mang, không còn sức để làm việc là cảm giác của nữ công nhân khi lần đầu nghe tin công ty sẽ cho hàng loạt lao động nghỉ việc. Chị kể cách đây một tuần, cán bộ nhà máy loan báo công ty sẽ bồi thường hai tháng lương. Nhiều người không đồng ý vì cho rằng mức đó quá thấp. Các xưởng lấy ý kiến người lao động đề xuất công ty hỗ trợ thêm tháng lương thứ 13. Yêu cầu này sau đó được doanh nghiệp đồng ý.
Từ hôm nghe tin nhà máy giảm lao động, chị hay gọi điện cho người thân ở quê hỏi thăm tình hình việc làm. TP Vị Thanh (Hậu Giang) nơi gia đình chị đang sống có một số nhà máy do các doanh nghiệp ở TP HCM về mở chi nhánh. Tuy nhiên, ba tháng qua, công nhân ở quê cũng không có việc. Nhiều người chị quen phải nghỉ luân phiên, giảm lương. Trong khi đó, trên thành phố các công ty quanh Tỷ Hùng đã dừng tuyển người cả tháng qua. Cơ hội tìm được việc làm mới của chị càng mong manh.
Với 25 năm Công ty Tỷ Hùng hoạt động ở TP HCM, những công nhân lớn tuổi như chị Nhã, chị Hiếu không phải ít. Trong gần 1.200 công nhân Tỷ Hùng bị mất việc có đến hơn 60% nữ. Chị Nguyễn Thị Âm Nhạc, 40 tuổi, cán bộ quản lý chuyền, nói rằng 50% lao động trong các chuyền chị từng quản lý đều ngoài 40 tuổi, hầu hết gắn bó với công ty 10-15 năm trở lên.
"Độ tuổi này mong được ổn định nhất để lo cho con cái thì lại thất nghiệp, khó tìm việc mới", chị Nhạc nói. Trường hợp được các công ty tuyển, dù có tay nghề họ phải bắt đầu với mức lương thấp nhất trong nhà máy. Vì vậy nhiều người nản, chấp nhận làm thời vụ, hưởng lương ngày, đợi năm sau rút bảo hiểm xã hội một lần.
Để hỗ trợ công nhân, Liên đoàn lao động quận Bình Tân sẽ hỗ trợ mỗi lao động Công ty Tỷ Hùng 500.000 đồng gồm tiền mặt và quà. Ngành chức năng cũng đang phối hợp tìm việc mới cho công nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp này có hai chi nhánh ở Đồng Tháp và Bến Tre, những người quê ở các địa phương này nếu hồi hương sẽ được ưu tiên nhận vào làm việc.
Công ty sẽ trả trợ cấp thôi việc cho những lao động làm việc tại công ty từ năm 2008 trở về trước, trợ cấp hai tháng lương cho toàn bộ lao động bị cắt giảm, trả sổ bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp sẽ chi tiền thưởng năm 2022 là một tháng lương cho người làm đủ 12 tháng, những trường hợp còn lại được tính theo thời gian thực tế làm việc trong năm.
Hai hôm nay, chị Nhã làm thủ tục giảm trừ gia cảnh, xin xác nhận địa phương bố mẹ không có thu nhập, người phụ thuộc... Cộng tất cả khoản trợ cấp thôi việc cho người làm từ năm 2008 trở về trước, bồi thường hai tháng lương và tháng 13, chị được nhận hơn 40 triệu đồng, sau 20 năm thanh xuân gắn bó với công ty.
Lê Tuyết