Cô gái vô gia cư thẳng tiến vào Harvard


Khadijah ở trường trung học Jefferson (Ảnh: Los Angeles Times)
 
Chỉ một số ít giảng viên và nhân viên ở trường ĐH Harvard là biết rõ hoàn cảnh của Khadijah. Cô không bao giờ muốn những sinh viên khác biết bí mật của mình.

 

“Tôi tự hào về trí thông minh của mình đến nỗi tôi không bao giờ muốn mọi người nói rằng: “Bạn được ưu ái bởi vì bạn là người vô gia cư”. Tôi không bao giờ coi đó là lời bào chữa cho mình”, Khadijah giải thích.

 

Ngay từ đầu, những người phỏng vấn Khadijah ở trường ĐH Harvard đã biết rằng cô là một ứng cử viên đầu bảng. Người trực tiếp phỏng vấn Khadijah đã nhấn mạnh với ban tuyển sinh trường ĐH Harvard rằng nếu họ không chấp nhận Khadijah, họ có thể bỏ lỡ một Michelle Obama tiếp theo!
 

Khadijah phát biểu trong ngày lễ tốt nghiệp. Cô đứng thứ 4 trong số những học sinh tốt nghiệp trong lớp. (Ảnh: Los Angeles Times)

 

Là người vô gia cư, Khadijah luôn cố gắng ở mức cao nhất. Cô không bao giờ hút thuốc hay uống rượu, cũng không bao giờ thử dùng ma tuý.

 

Khadijah sinh ra ở quận Brooklyn (TP New York, Mỹ) khi mẹ cô mới 14 tuổi. Bà mẹ trẻ bị gia đình tẩy chay và không thể theo học trung học vì gánh nặng nuôi con. Khi Khadijah chập chững biết đi, hai mẹ con cô chuyển đến bang California. Vài năm sau, bà sinh thêm một cô con gái nữa.

 

Nói về mẹ, Khadijah không hề chỉ trích bà. Cô cho biết chính bà đã khuyến khích cô học tập. Bà thường nói với Khadijah rằng cô có tài năng đặc biệt và nói cô là Oprah Winfrey (người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình, được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới).

 

Khadijah trôi nổi từ chỗ tạm trú này đến chỗ tạm trú khác cùng với mẹ. Trong 12 năm, cô theo học ở 12 trường khác nhau ở bang California. Mẹ con Khadijah sống nhờ vào những túi đồ bỏ đi của các chủ chứa, gái mại dâm và người buôn ma tuý. Trên các đường phố, Khadijah học cách săn tìm thức ăn cho hai mẹ con và chọn một nơi an toàn để ngủ.
 

Khadijah (giữa) cùng mẹ và em gái tại nơi chứa đồ của ba mẹ con. (Ảnh: Los Angeles Times)

 

Năm lên 9 tuổi khi đang học lớp 3, Khadijah đã đạt điểm số gần như cao nhất trong một cuộc thi của bang. Từ đó, cô nhận ra mình có tài năng và không bao giờ ngừng học tập.

 

Khi Khadijah học xong lớp 3 cũng là lúc các chỗ tạm trú cho người vô gia cư đóng cửa, hai mẹ con Khadijah càng thiếu thốn tiền. Họ phải gói gém số đồ đạc ít ỏi của mình và bắt các tuyến xe buýt đi tìm chỗ trú ngụ ở vô số các thành phố và quận ở khắp bang California như TP Los Angeles, TP San Francisco, TP San Diego, hạt Ventura, hạt San Bernardino và hạt Orange (còn gọi là quận Cam). Tại mỗi nơi này, họ chỉ ở vài tháng là nhiều nhất. Khadijah chỉ được học một nửa chương trình lớp 4, nửa chương trình lớp 5 và bỏ lớp 6. Cô học lớp 7 ở Los AngelesSan Diego, học lớp 8 ở San Bernardino.

 

Ở mỗi điểm dừng chân, Khadijah cố gắng đọc báo và 4-5 cuốn sách mỗi tháng để tâm trí tạm quên đi những ồn ào náo động và mùi chua của khu trú ngụ tạm bợ.
 

Khadijah đang chờ đón xe buýt về nhà. Khadijah thường xuyên phải chờ xe buýt như thế này trong thời kỳ học trung học. (Ảnh: Los Angeles Times)

 

Khi học lớp 10, Khadijah nhận ra rằng nếu cô muốn thành công, cô không thể làm điều đó một mình được. Cô bắt đầu tiếp cận nhiều tổ chức giáo dục và các giáo viên, nhà tư vấn và mạng lưới cựu sinh viên các trường đại học. Họ giúp cô đăng ký vào những lớp học cộng đồng trong mùa hè của các trường đại học, nhờ đó cô được tiếp cận với máy tính và đăng ký xin học bổng.

 

Sau này, trong bài luận đăng ký học trường ĐH Harvard, Khadijah viết: “Tôi từng cảm thấy nỗi giận dữ vì phải gồng mình lên ở trường học. Tôi bị bạn bè bắt nạt bởi họ biết tôi nghèo, tôi khác họ và tôi đọc nhiều sách. Tôi biết rằng nếu tôi muốn trở thành một học giả thông thái và thành công, tôi nên phải trò chuyện với những người thông thái”.
 

Khadijah chụp ảnh cùng bạn học. (Ảnh: Los Angeles Times)

 

Một năm rưỡi trước đây, khi đăng ký vào học lớp 11 trường trung học Jefferson (TP Los Angeles), Khadijah quyết định sẽ không đổi trường nữa dù mẹ cô có chuyển đi đâu. Ngày tốt nghiệp không còn xa và cô cần thư giới thiệu của các giáo viên trung học khẳng định về khả năng của cô để cô làm hồ sơ đăng ký học đại học. Điều đó có nghĩa là cô phải đi một chặng đường dài bằng xe buýt từ hạt Orange đến trường. Cô dậy lúc 4 giờ sáng và trở về nhà lúc 11 giờ đêm. Không chỉ học chăm chỉ, cô còn hăng hái tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp. Khadijah kể lại rằng thời gian này cô thực sự bị áp lực.

 

Tháng trước, Khadijah tốt nghiệp trường trung học Jefferson và xếp thứ 4 trong lớp. Cô được nhận vào hơn 20 trường đại học khắp nước Mỹ. Khadijah chọn trường ĐH Harvard nơi cô có học bổng toàn phần và ấp ủ khát vọng trở thành một nhà cố vấn giáo dục.

 

Xuân Vũ
Theo Los AngelesTimes


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27474
Số người truy cập:
8543414