Cò đất thời bất động sản đóng băng

Vài tuần trước, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ 68 ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã tạm đóng cửa vì không có giao dịch. Chiếc biển treo hờ hững, một vài khách hàng ghé qua chỉ thấy cánh cửa im ỉm khóa. Người hàng xóm tốt bụng thay thường trực câu thông báo: "Nhà đất ế ẩm, vắng khách. Nhân viên không đến làm việc nên trung tâm tạm đóng cửa". Khi được hỏi về thời điểm mở cửa trở lại, chị hàng xóm lắc đầu: "Từ mấy tuần nay không thấy khách đến giao dịch. Nhân viên không hiểu họ họ đi đâu hết".

Nằm chờ hay phá sản, “ngủ đông” hay “bỏ nghề” là tình trạng của nhiều văn phòng cũng như “cò” đất lúc trong bối thị trường đóng băng.


Rất ít khách hàng vãng lai đến các trung tâm môi giới nhà đất.
Ảnh: diaoc.

Cách Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội (HRETC) ở Trung Hòa - Nhân Chính không xa, một tấm biển ghi rõ tên Công ty TNHH Việt Vương nhưng chẳng thấy bóng dáng của nhân viên môi giới. Khách đến giao dịch sau một hồi loanh quanh tìm kiếm, được một chị bán nước ở gần đó thông báo: "Giám đốc hiện không có mặt ở công ty".

Chị bán nước cho biết: "Công ty Việt Vương là của đứa cháu, tôi cũng là môi giới của công ty, vắng khách thì chuyển sang bán nước". Hằng ngày ngồi bán hàng ở trước cửa công ty, chị vẫn nắm bắt tình hình của thị trường, giá thuê, bán ra sao. Có khách hỏi thăm là chị "alo" cho chủ đất. Chi phí môi giới cho mỗi thương vụ làm ăn thành công vào khoảng vài ba triệu đồng.

Tại một số trung tâm môi giới, kinh doanh bất động sản trên phố Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Thanh Xuân... tình hình cũng không khá hơn. Khách đến giao dịch giảm đến hơn một nửa, hầu như chỉ là khảo giá, giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Hải Linh, nhân viên kinh doanh tại công ty bất động sản Chuyên Nghiệp trên phố Nguyễn Chí Thanh cho hay, sự xuất hiện của một số sàn giao dịch lớn gần đây khiến cho thị phần của các trung tâm nhỏ giảm hẳn. Tại các sàn giao dịch lớn có áp dụng các phí khác nhau. Điều này khiến người tham gia giao dịch yên tâm hơn so với giá cả ngoài thị trường hay xê dịch. Tuy vậy, các nhân viên tư vấn khách hàng, môi giới ở đó cũng cho biết, lượng giao dịch vốn đã thưa thớt, nay càng đìu hiu hơn.

Khi thị trường nhà đất lên cơn sốt, chỉ tính riêng đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội có tới vài chục trung tâm môi giới bất động sản mọc lên. Đến giờ, số lượng công ty môi giới giảm khoảng 2/3. Cảnh tương tự cũng diễn ra ở khu vực đường Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội.

Để cải thiện tình trạng ảm đạm này, nhiều trung tâm môi giới đã thực hiện kích cầu bằng cách giảm hoặc miễn phần trăm hoa hồng cho bên mua, chỉ tính phần trăm cho bên bán. Thậm chí nhiều nơi không lấy tiền dẫn đường cho khách.

Bên cạnh đó, trong lúc chờ đợi thị trường ổn định trở lại, nhiều văn phòng chuyển sang kết hợp môi giới cho thuê kho bãi, nhà ở để “lấy ngắn nuôi dài”. Một số người từng làm nghề môi giới bất động sản cũng đang có xu hướng chuyển sang hình thức tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động cũng rất cầm chừng, lẻ tẻ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, phải đến cuối 2009 đầu năm 2010, thị trường nhà đất mới có thể hồi phục trở lại. Và cũng đã đến lúc các sàn giao dịch, các trung tâm môi giới, kinh doanh bất động sản phải đầu tư hơn nữa cả về cơ sở hạ tầng, kỹ năng của nhân viên để trở nên chuyên nghiệp, uy tín hơn mới có thể thu hút người tham gia giao dịch.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
69763
Số người truy cập:
8592458