So Hyun Ho (36 tuổi) làm việc tại một ngân hàng nước ngoài với mức lương khá cao. Đối với anh, mua nhà hoàn toàn nằm trong tầm tay bởi cha mẹ anh rất sẵn lòng trợ giúp. Nhưng anh quyết định vay tiền ngân hàng để mua căn nhà của riêng mình. Jo nói: “Tôi làm như thế vì hai lý do. Một là vấn đề thuế; thứ hai, “nợ” cũng là tài sản”.
Jo theo ngành quản trrị kinh doanh, sau đó sang Mỹ học khóa MBA2. Trước khi chuyển về làm việc ở ngân hàng, nơi Jo hiện công tác, anh từng làm việc tại một công ty đầu tư của Mỹ. Đó là nền tảng cơ bản tạo điều kiện giúp Jo sớm trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về đầu tư và kinh doanh tiền tệ.
Ngay từ khi còn làm việc ở Mỹ, Jo đã có kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu của các công ty Trung Quốc; đến khi về Hàn Quốc, anh tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu Daewoo. Nhờ vậy, dù còn khá trẻ nhưng Jo đã nắm trong tay một khoản vốn rất lớn.
Với Jo - một con người có cách nhìn khác biệt về đầu tư, thì việc vay tiền ngân hàng để mua căn hộ là một việc làm có chủ ý. Anh quan niệm rằng nếu biết cách sử dụng tốt nợ vay sẽ tạo ra hiệu ứng đòn bẩy (leverage effect) kinh tế. Vì vậy, nợ không đơn thuần là nợ, mà còn là “tài sản”. Hiệu ứng đòn bẩy là dùng tiền vay làm đòn bẩy để nâng cao lợi nhuận trên vốn của mình.
Chẳng hạn, nếu bạn có số vốn một tỷ won, bạn kinh doanh thu lợi được một trăm triệu won, thì tỉ suất lợi nhuận trên vốn của bạn là 10%. Nhưng nếu bạn chỉ có năm trăm triệu won, bạn mượn người khác năm trăm triệu won, tổng cộng thành một tỷ won, rồi bạn đem vào kinh doanh, và thu về một trăm triệu thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn của bạn là 20% (tức 100 triệu : 500 triệu = 20%)..
Xu hướng chung của các triệu phú trẻ Hàn Quốc hiện nay là vay tiền ngân hàng để đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản, dù họ có thừa tiền để trả ngay một lần, trong khi đa số những người đi vay khác lại mong chấm dứt khoản nợ hiện tại càng sớm càng tốt. Tư tưởng vay mượn trả lãi để đầu tư được nhiều người cho là quá mạo hiểm và thiếu cân nhắc.
Ví dụ A và B cùng có mức lương 60 triệu won một năm. Cả hai người đều muốn mua một căn hộ với giá 250 triệu won. Trước đây A tích lũy được 120 triệu won, nên anh chỉ cần vay ngân hàng thêm 130 triệu won với lãi năm 5,5% và trong vòng 15 năm phải trả hết cả gốc lẫn lãi. Còn B vay ngân hàng 110 triệu với lãi năm 7% và vay trong vòng 30 năm.
Mỗi tháng A trả 2 triệu 470 nghìn won cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Ngoài ra, vì muốn nhanh chóng thanh toán hết nợ nên mỗi tháng, A còn dành dụm thêm được 500 nghìn won. Tiền vay ngân hàng của B ít hơn của A 20 triệu won. Mỗi tháng B trả ngân hàng 2 triệu 50 nghìn won, ít hơn A 420 nghìn won. Do trả ít tiền hơn A, nên hàng tháng B dành dụm được 920 nghìn won và B đem toàn bộ số tiền này gửi tiết kiệm.
Năm năm sau, đột nhiên cả A và B đều bị mất việc. Trong năm năm qua, vì lo mải mê trả nợ nên A không có một khoản tiền tiết kiệm nào, nhưng bù lại nợ ngân hàng của A giờ chỉ còn 53 triệu won. Tình cảnh thất nghiệp khiến A không còn cách nào khác ngoài việc phải vay thêm ngân hàng. Nhưng ngặt nỗi ngân hàng từ chối không cho vay vì lý do người đi vay không có khả năng chi trả do không có việc làm. Thế là ngân hàng tiến hành đấu giá căn hộ của A do A không thể tiếp tục thanh toán khoản nợ dài hạn kia.
Còn B đã tích lũy được 20 triệu won, song song đó, mỗi tháng B còn tích lũy thêm 920 nghìn won. Cứ như thế, trong năm năm B có trong tay 75 triệu won. Tuy bị mất việc nhưng B vẫn có tiền để trả dần cho ngân hàng, mỗi tháng 2,05 triệu won và trước mắt, những chi tiêu trong sinh hoạt cũng không có trở ngại gì lớn. Trong hai năm tiếp theo, cho dù không tìm được việc làm mới thì B vẫn có tiền trả nợ vay ngân hàng và tiền sinh kế.
Tình huống này khiến cho bất kỳ ai cũng phải nhìn lại cuộc sống của mình xem họ có đang suy nghĩ giống như các triệu phú trẻ hay không?
Nếu chủ ý quan sát, bạn sẽ nhận thấy có hai nhóm người: người biết điều khiển đồng tiền và người không biết điều khiển đồng tiền. Những ai biết điều khiển đồng tiền sẽ có cơ may trở thành triệu phú. |
Han Tae Yuong, một tỷ phú sống ở Kang Nam (quận tập trung nhiều người giàu ở Seoul), nhận xét: “Khoản tiền lãi phải trả khiến cho nhiều người sợ lâm vào tình cảnh vay nợ ngân hàng, thậm chí có người còn không dám nghĩ tới việc bước chân vào ngân hàng. Trên thực tế, sai lầm chính là ở chỗ chúng ta thường muốn rút ngắn thời gian trả lãi và nhanh chóng thanh toán phần tiền còn nợ ngay khi có thể. Thay vì trả nợ ngân hàng, họ có thể dùng số tiền ấy đầu tư vào việc khác có mức sinh lợi cao hơn”.
Với một người không có khả năng trả nợ đúng hạn, anh ta sẽ làm gì khi có trong tay một triệu won? Có khả năng anh ta sẽ dùng toàn bộ số tiền một triệu won ấy xóa ngay món nợ để tránh tiếng là người không đáng tín nhiệm. Đây là điều nên làm. Nhưng Oh Sang Kyng – Trưởng ban pháp lý một xí nghiệp lớn, đồng thời có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, lại có suy nghĩ khác hẳn. Anh cho rằng: "Nếu ở vào trường hợp ấy, tôi sẽ trả nợ ngân hàng 100 nghìn won, còn lại 900 nghìn won tôi sẽ dùng để đầu tư vào những việc khác. Điều quan trọng là bạn phải biết cách quay vòng đồng tiền, làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn từ số tiền ban đầu đó. Người biết làm giàu là người nắm được bí quyết làm cho tiền sinh ra tiền. Người dùng một triệu won để trả nợ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho người khác làm giàu. Còn người đem 100 nghìn won trả nợ và giữ lại 900 nghìn won để đầu tư là người biết điều khiển đồng tiền”.
Khi được hỏi về quan điểm đối với vấn đề trên, tỷ phú Kim Kyoung Mun, 40 tuổi, chủ một doanh nghiệp tư nhân, nói: "“Điểm mạnh nhất của đồng tiền là tính lưu thông. Khi đồng tiền được lưu thông thông suốt thì nó chắc chắn sẽ tạo ra giá trị mới. Tiền chỉ “sống” khi nó tham gia lưu thông, cho nên đem tiền trả hết nợ là hành động chặn đứng sự lưu thông đó”.
Năm 2004, công ty đầu tư tài chính Merrill Lynch đưa ra một báo cáo nói rằng tỷ lệ nợ của các xí nghiệp Hàn Quốc từ 170% năm 1997 giảm mạnh xuống 35% vào năm 2004. Đồng thời cấu trúc vốn dịch chuyển theo hướng thu hẹp nợ, tức theo quan điểm giá trị cổ phiếu là không hiệu quả. Nói cách khác, tỷ lệ nợ của các xí nghiệp Hàn Quốc quá thấp báo hiệu tốc độ tăng trưởng chuyển sang mức báo động đỏ.
Báo cáo trên đưa ra phương án giải quyết như sau: “Các xí nghiệp Hàn Quốc cần thoát ra khỏi việc chuyển đổi cấu trúc vốn bằng cách biến nợ thành cổ phiếu, tăng nợ để nâng cao giá trị cổ phiếu, chuyển đổi nợ vì cổ phiếu. Đó là yêu cầu bức thiết”.
Vào thời điểm khủng hoảng tiền tệ năm 1997, tỷ lệ nợ cao của các xí nghiệp Hàn Quốc đã trở thành thảm họa. Nhưng ngược lại, tỷ lệ nợ quá thấp cũng là vấn đề cần phải quan tâm đến.
Như đã nói ở trên, giá trị của đồng tiền nằm ở khả năng “lưu thông” của nó. Nghĩa là, vay nợ để đầu tư là cần thiết. Bàn về vấn đề này, tỷ phú Jo Hyun Ho nói: “Phải biết và sử dụng hiệu quả các khoản nợ vay. Vay tiền để đầu tư là bước đi đầu tiên đến với thế giới của những người giàu có. Nợ cũng chính là vốn. Nếu đầu tư đúng thì nợ sẽ làm đòn bẩy nâng cao lợi ích. Với tiền tự có, bạn chỉ quản lý các cơ hội; với tiền nợ, bạn phải quản lý được cả những rủi ro. Lợi nhuận không đến với người sợ mạo hiểm và không quản trị được rủi ro. Và nhiều người cho rằng người không mang nợ là người hạnh phúc, nhưng tôi chưa từng biết một tỷ phú nào lại không mang nợ”.
Phó Thủ tướng Jang Ky Young thập niên 60 có câu nói nổi tiếng: “Nợ cũng là tài sản”. Hàn Quốc thời đó không có gì và phải bắt đầu kiến thiết nền kinh tế bằng nợ. “Nợ cũng là tài sản” là một trong những câu nói mà các triệu phú trẻ rất tâm đắc. Nhà sáng lập Wall-Mart - chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất trên thế giới hiện nay - nói về bí quyết thành công của mình như sau:
“Wall-Mart lớn mạnh nhanh chóng nhờ thành công của các đại lý. Bên cạnh đó, chúng tôi biết sử dụng có hiệu quả các khoản nợ vay ngân hàng”. Thời trẻ, ông vay tất cả các nhà cho vay mà ông có thể vay được. Khi quy mô của Wall-Mart càng lớn thì số nợ cũng tăng theo. Có lúc ông phải vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác. Ngày nay, trong mười tỷ phú trong danh sách bình chọn của Forbes, thì có đến năm người đang nắm giữ cổ phần áp đảo của Wall-Mart.
Các triệu phú trẻ Hàn Quốc bước lên bậc thang đầu tiên trên con đường trở thành người giàu có bằng số tiền trên dưới trăm triệu won. Nhưng đó không phải là yếu tố cốt lõi giúp họ thành công. Chính tư tưởng dám đầu tư, chấp nhận rủi ro với các khoản vay nợ là chìa khóa mở cửa kho của cải đang chờ đợi họ.
Hwang Mun Ho tuy mới tuổi 30 nhưng đang nắm trong tay 2,4 tỷ won. Anh thành công từ việc đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc với vốn ban đầu không quá 40 triệu won. Hwang mang số bất động sản của mình thế chấp vay tại các ngân hàng Trung Quốc và Hong Kong và tiếp tục tái đầu tư.
Kang Jang Keun, 40 tuổi, sau khi học xong đại học đại cương (2 năm), bắt đầu với nghề buôn bán sỉ phụ liệu ở chợ Dong Dae Mun, nay đã là chủ tịch một tập đoàn thương mại có doanh số bán ra hàng năm là 60 tỷ won. Kang nói: “Vốn ban đầu là bao nhiêu à? Chỉ có 850 nghì won vay mượn từ bà con thân thích và bạn bè. Khi bắt đầu có lãi, tôi nghĩ ngay đến việc vay tất cả những người có thể vay được. Hiện tại, nợ vay ngân hàng của tôi là vài tỷ won. Nhìn khoản nợ ấy cũng biết tôi là người giàu rồi mà”.
Năm 1939, khi Đức tấn công Ba Lan là lúc Mỹ đang tìm mọi cách để thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của họ. Thời kỳ đó, trong các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, vô số cổ phiếu có giá không tới một đôla. Khi đó chàng trai trẻ 26 tuổi John Templeton vay giám đốc của mình 10 nghìn đôla và bắt đầu thu gom cổ phiếu. Anh dự đoán rằng trong thời chiến, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng vọt và các công ty thường thường bậc trung cũng kiếm được lợi nhuận cao nên mạnh dạn vay tiền để đầu tư. Kết quả là John đã dự đoán đúng. Mười ngàn đôla nợ ban đầu đã mang lại cho anh một khoản tiền nằm mơ cũng không thấy. Điều cần lưu ý ở đây là triết lý “vay nợ” của John.
John vay tiền không phải để mua ôtô hay đi du lịch mà anh vay tiền để đầu tư. Nếu vay tiền mua xe thì xe ngày càng mất giá. Nếu vay tiền đi du lịch thì tiền mất đi và không lấy lại được. Kết cục, nợ vẫn còn đó và lãi sẽ ngày càng tăng lên. Nhưng vay nợ để đầu tư thì khác: thông qua đầu tư, khoản nợ đó sẽ tạo ra lợi nhuận, lấy lợi nhuận để trả vốn lẫn lãi vay ban đầu. Và đây cũng chính là bí quyết sử dụng nợ vay của các triệu phú: vay để đầu tư chứ không vay để tiêu dùng.
Có ba điểm cần lưu ý trong việc sử dụng nợ vay của các triệu phú trẻ:
Thứ nhất, chỉ vay nợ để đầu tư vào các dự án chắc chắn mang lại lợi nhuận.
Thứ hai, luôn chọn vay nợ dài hạn, nếu có thể được.
Thứ ba, luôn vay nợ trong khả năng trả nợ.
Triệu phú trẻ No Shin Ho nói rằng: “Khi vay nợ, bạn phải nhớ rằng tối thiểu bạn phải có khả năng trả được lãi. Vì tài sản mang tính sinh lợi nên việc vay nợ là cần thiết. Nhưng vay nợ quá nhiều so với khả năng chi trả là không sáng suốt. Nếu muốn kiếm được nhiều tiền, trước hết bạn cần có sự chuyển đổi tư duy về nợ. Trên cơ sở chuyển đổi tư duy, bạn phải có sự phán đoán và dự đoán đầu tư sáng suốt, cùng một ý chí và niềm tin vào bản thân”.
(Trích cuốn "Bí quyết thành công của các triệu phú trẻ Hàn Quốc" do First News phát hành)