Chứng khoán thế giới giảm sâu

 
Xung đột bất ngờ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã ám khói lên thị trường chứng khoán thế giới - Ảnh: Reuter

Tại châu Á, quân đội hai miền Triều Tiên đã bất ngờ nã pháo vào nhau tại một hòn đảo trên vùng tranh chấp trên biển Hoàng Hải (phía tây bán đảo Triều Tiên).

Tại châu Âu, gói trợ giúp của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua hôm 21.11 còn chưa kịp phát huy tác dụng thì tin xấu lại đến. Thủ tướng Ireland, Brian Cowen bất ngờ cho biết chính phủ của ông sẽ tự động giải tán sau khi thông qua ngân sách năm 2011. Cuộc bầu cử chính phủ mới sẽ được tiến hành sớm vào đầu năm sau.

Động thái này của Chính phủ Ireland đã làm dấy lên lo ngại về những bất ổn trong hệ thống chính trị do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công. Trước hết là sự tổn hại về niềm tin của người dân đối với chính phủ các nước.

Thị trường chứng khoán thế giới vốn đang ở trong thời kỳ “hết sức nhạy cảm” với những biến cố nên đã nhanh chóng thể hiện thái độ với các thông tin kém vui này.

Chỉ số MSCI Asia Pacific của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng cửa phiên 23.11 đã mất tới 2,31%. Chỉ số Hang Seng (HSI) của Hồng Kông lao dốc không phanh và để tuột tới 627,88 điểm, tương đương giảm 2,67% so với phiên đầu tuần, chốt ở mức 22.896,14 điểm.

Ghi nhận trên một số thị trường khác trong khu vực: CSI 300 và Shanghai Composite của Trung Quốc lần lượt giảm 2,04% và 1,94%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 0,79%; S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,17%; Straits Times (Singapore) giảm mạnh 2,03%.

Thị trường chứng khoán khu vực châu Âu cũng không khả quan hơn là bao, chỉ số STXE 600 giảm 1,54%, phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8 vừa qua. Toàn bộ 18 thị trường chứng khoán trong khu vực tây Âu được ghi nhận giảm điểm, mức giảm dao động trên dưới 2%.

Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,75%, xuống còn 5.581,28 điểm; CAC 40 của Pháp giảm mạnh tới 2,47%, chốt phiên ở mức 3.724,42 điểm; DAX của Đức để mất 117,05 điểm, tương đương giảm 1,72% xuống còn 6.705 điểm.

Thị trường chứng khoán các quốc gia nằm trong nguy cơ tấn công của khủng hoảng nợ đều giảm mạnh trên 2%. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm mạnh tới 3,05%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 2,22%; Irish Overall của Ireland giảm tới 3,37% trong phiên này. Cổ phiếu của ngân hàng Bank of Ireland giảm tới 25% sau tuyên bố của Thủ tướng Cowen.

Mở cửa muộn nhất, Phố Wall (Mỹ) hứng trọn ảnh hưởng tiêu cực từ hai khu vực trên, chỉ số thị trường S&P 500 giảm 1,4% xuống còn 1.180,73 điểm. Trước đó, chỉ số này đã có lúc giảm 1,8%, giảm mạnh nhất kể từ hồi đầu tháng 8 tới nay.

Cũng trong phiên 23.11, nhiều báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ được các cơ quan chính phủ công bố: Bộ Thương mại tổng kết quý 3/2010 cho biết GDP Mỹ đã tăng 2,5%, vượt mọi dự đoán trước đó. Trong khi đó, Hiệp hội chuyên viên địa ốc liên bang (NAR) lại có báo cáo cho hay doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 9.2010 đã giảm 2,2%, giảm hơn cả dự đoán của các nhà phân tích.

Chỉ số Dow Jones Industrial để mất 142,21 điểm, tương đương giảm 1,3% so với phiên đầu tuần, chốt phiên 23.11 ở mức 11.036,37 điểm. Chỉ số MSCI World giảm mạnh tới 2,6% trong phiên này.

Căn cứ số liệu thống kê từ năm 1945 cho giai đoạn này, các chuyên gia dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ tăng trở lại từ nay tới cuối năm. Trung bình trong giai đoạn từ Lễ Tạ ơn tới lễ mừng năm mới, chỉ số này tăng khoảng 1,9%.

Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9593
Số người truy cập:
9297830