Chứng khoán suýt lập kỷ lục về khối lượng giao dịch

Trong những phút đầu của đợt khớp lệnh mở cửa, diễn biến của thị trường dường như vẫn cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn sẽ được tái hiện trong ngày khi lượng mua giá ATO và giá trần áp đảo lượng bán. Nhưng dấu hiệu đi xuống đã le lói xuất hiện khi chỉ trong vài phút cuối của đợt mở cửa, các lệnh bán bắt đầu được tung ra nhiều.

Dẫu sao, sau 30 phút đầu tiên với lượng cầu được duy trì khá tốt, Vn-Index mở cửa tại 389,01 điểm. Tăng 4,3 điểm tương đương 1,11%. Lượng giao dịch trong đợt khớp lệnh này rất lớn, lên tới 11,9 triệu đơn vị cao hơn tổng giao dịch của cả ngày hôm qua. Giá trị giao dịch tương ứng là 330,3 tỷ.

Sàn Hose bước vào đợt khớp lệnh liên tục với tâm trạng phấp phỏng lo âu khi tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, những dấu hiệu đảo chiều đang xuất hiện. ACB, một blue chip tại sàn này, bắt đầu "đo sàn" cùng với đó là Hastc-Index chớm chuyển sang màu đỏ. Nỗi lo đã nhanh chóng trở thành sự thật khi rất nhiều blue chip bắt đầu quay đầu, trong đó đáng kể nhất là DPM, SSI, và STB.

Sau hơn nửa giờ của đợt khớp lệnh thứ hai, các cổ phiếu nhỏ khác vẫn duy trì ở giá trần nhưng dư mua đã không còn. Lác đác vài cổ phiếu nhỏ còn dư mua, trong khi các nhà đầu tư đã bắt đầu hủy các lệnh bán giá trần và giá cao hơn tham chiếu, thay vào đó là các lệnh bán sàn.

Hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam giảm nhanh chóng xuống chỉ còn 381,03 điểm, mất tới 0,96%. Giá trị giao dịch sau đợt hai đạt 590,6 tỷ với 21 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp.

Tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, một nhà đầu tư chuyên lướt sóng cho biết phiên giao dịch này khá quan trọng vì hôm nay là tròn chu kỳ T+3 tính từ ngày thị trường bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Hơn nữa, từ ngày mai trên cả hai sàn, biên độ dao động giá sẽ được tăng thêm 1% nên xu hướng thị trường là rất khó phán đoán.

Vì vậy cũng như nhiều "dân lướt sóng" khác, anh quyết định bán cổ phiếu trong phiên này nhằm cụ thể hóa lợi nhuận, rút khỏi thị trường để quan sát. Nhiều nhà đầu tư "mua gối" cổ phiếu có sẵn để lướt T+1, T+2 trong phiên giao dịch truớc cũng tranh thủ bán theo để bảo toàn vốn.


Tuy đà tăng điểm bị chặn đứng nhưng chứng khoán Việt Nam suýt lặp lại được kỷ lục về khối lượng giao dịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong đợt khớp lệnh đóng cửa, hình ảnh quen thuộc nhưng không dễ chịu chút nào của gẫn hai tháng qua lại được tái diễn khi nhà đầu tư "đua nhau" đặt lệnh bán giá sàn và ATC. Tuy vậy, so với đợt khớp lệnh trước, tình hình đã có vẻ khả quan hơn chút ít khi Vn-Index chỉ còn giảm 0,69% ngang với 2,64 điểm, đóng cửa tại 382,07 điểm.

Toàn thị trường hôm nay đã có hơn 24 triệu đơn vị cổ phiếu được trao tay, với giá trị giao dịch lên tới 695,4 tỷ đồng. Lượng giao dịch khớp lệnh chiếm đa số với 22,3 triệu đơn vị, giá trị giao dịch khớp lệnh lên tới hơn 630 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch của phiên này đã gần bằng lượng khớp lệnh cao nhất từng được ghi nhận 24,7 triệu vào 10/3/2008. Tuy nhiên, do giá chứng khoán đã giảm mạnh, nên giá trị giao dịch thời điểm này kém xa so với giá trị lúc đó: 1.500 tỷ đồng.

Theo thống kê từ SSI, đã có 20 mã tăng giá, 9 mã đứng giá, và số chứng khoán giảm giá chiếm số lượng áp đảo 126 mã.

Trong số các blue chip chỉ có VNM, ITA, và KDC là cùng tăng trần, và DPM duy trì ở mức tham chiếu. Còn lại các cổ phiêu lớn khác như FPT, SSI, STB, PVD đều giảm sàn.

Nhà đầu tư ngoại mua vào hơn 6,5 triệu đơn vị và đẩy ra xấp xỉ 0,76 triệu đơn vị cổ phiếu.

Tại sàn Hà Nội, Hastc-Index chốt ở mức 113,94 điểm, đi xuống 1,73% ứng với 2,01 điểm. Tuy đi xuống về giá trị nhưng cũng như tại sàn Hose, lượng giao dịch tại sàn Hà Nội trong phiên hôm nay là rất đáng kể khi có tới 8,52 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp, gấp hơn gần 5 lần khối lượng giao dịch 1,74 triệu của ngày hôm qua. Giá trị giao dịch đạt 85,2 tỷ.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27277
Số người truy cập:
9278258