Chốt phiên giao dịch ngày 24/1, chỉ số DJIA tăng 0,3% lên 34.364 điểm, ghi nhận lần tăng đầu tiên trong 7 phiên. S&P 500 đóng cửa tăng 0,3% lên 4.410 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 13.855 điểm.
Các chỉ số chuyển xanh sau khi giảm mạnh đầu phiên. Nasdaq Composite có lúc mất tới 4,9%. DJIA từng giảm 1.115 điểm, tương đương 3,25%. S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh, khi giảm 10% so với đỉnh hôm 3/1.
Diễn biến chỉ số DJIA phiên hôm qua.
Hôm qua là một trong những phiên đảo chiều ngoạn mục nhất của Wall Street trong nhiều năm trở lại đây. Đây là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008 Nasdaq giảm hơn 4% trong một phiên nhưng vẫn đóng cửa tăng. Còn với DJIA, đây là phiên đảo chiều mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Marko Kolanovic – chiến lược gia cổ phiếu hàng đầu tại JPMorgan cho biết lực bán tháo hôm qua là quá đà. "Đợt giảm của nhóm tài sản rủi ro gần đây có vẻ đã bị thổi phồng. Sự kết hợp giữa yếu tố kỹ thuật và tâm lý bi quan đã gây ra điều này. Dù thị trường vẫn đang gặp khó trong việc đánh giá khả năng lãi suất tăng, chúng tôi dự báo mùa công bố kết quả kinh doanh lần này sẽ trấn an được nhà đầu tư".
Hôm qua, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ ngay từ đầu phiên, do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất mạnh tay. Dù vậy, nhóm này cuối phiên bật lại. Cả Meta Platforms, Amazon và Microsoft đều tăng khi nhà đầu tư đổ tiền mua bắt đáy.
Chỉ số CBOE Volatility theo dõi "sự sợ hãi trên thị trường" hôm qua lên cao nhất kể từ tháng 11/2020. Khi CBOE Volatility đạt các mốc cực điểm, thị trường có xu hướng bật lại, dù chỉ là tạm thời.
Dù tăng trong phiên đầu tuần, S&P 500 tháng này vẫn giảm 7,5%, hướng tới tháng tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhà đầu tư hiện quan tâm đến phiên họp chính sách tuần này của Fed, để dự báo thời điểm và mức độ Fed nâng lãi suất. Họ cũng chú ý đến căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến nói chuyện với các lãnh đạo châu Âu về khả năng Nga tấn công Ukraine.
Hà Thu (theo CNBC)